Partner im RedaktionsNetzwerk Deutschland

TẠP CHÍ KINH TẾ

Podcast TẠP CHÍ KINH TẾ
Podcast TẠP CHÍ KINH TẾ

TẠP CHÍ KINH TẾ

hinzufügen

Verfügbare Folgen

5 von 24
  • Chiến tranh Ukraina : Ba lý do uranium Nga thoát lưới trừng phạt
    Sau 13 tháng chiến tranh Ukraina, uranium của Nga không bị trừng phạt. Khác hẳn với ngành dầu khí, sản xuất và xuất khẩu uranium của tập đoàn năng lượng hạt nhân Rosatom không hề sụt giảm. Matxcơva không dám động đến uranium để bắt chẹt các khách hàng phương Tây cho dù Mỹ lệ thuộc đến 25 % vào thị trường Nga và Liên Âu thì tăng tốc phát triển điện hạt nhân để thay thế các nguồn năng lượng hóa thạch. Làm sao giải thích uranium Nga « bất khả xâm phạm » ? Để trả lời các câu hỏi trên, RFI tiếng Việt mời giáo sư Teva Meyer, chuyên nghiên cứu về yếu tố địa chính trị trong các hồ sơ hạt nhân sử dụng trong các lĩnh vực dân sự và quân sự, đại học Haute Alsace, tham gia chương trình. Tháng 2/2023 Teva Meyer vừa ra mắt độc giả cuốn Géopolitique du nucléaire -Hạt nhân và địa chính trị, NXB Cavalier Bleu. Sau tai nạn nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Nhật Bản vào tháng 3/2011 uranium liên tục mất giá. Ngay cả Kazakhstan, nơi bảo đảm 45 % sản xuất cho toàn cầu trong gần một chục năm đã cân nhắc và chỉ đầu tư một cách có chọn lọc vào một số công trường. Sản xuất của Mỹ đến năm 2021 giảm 95 % so với một thập niên trước đó. 2022 là một « bước ngoặt » : giá uranium trong các hợp đồng mua bán dài hạn tăng 20 % trong vòng sáu tháng. Lý do : Trung Quốc, Nhật Bản và Nga khởi động những dự án phát triển điện hạt nhân. Hai tuần trước chiến tranh Ukraina, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề ra mục tiêu xây dựng 6 lò phản ứng thế hệ mới từ nay đến 2050 và lò phản ứng đầu tiên trong số đó sẽ bắt đầu hoạt động từ 2035. Tháng 2/2022 Matxcơva đưa quân xâm lược Ukraina, khiến từ châu Âu đến Hoa Kỳ lại càng quan tâm hơn đến mục tiêu phát triển điện hạt nhân để giảm bớt lệ thuộc vào dầu khí, than đá của Nga. Tại Washington chính quyền Biden tăng tốc đầu tư cho ngành công nghiệp uranium. Tại châu Âu, mỏ uranium ở Slovakia hoạt động tấp nập trở lại. Giáo sư Teva Meyer đại học Haute-Alsace trước hết nhắc lại một số đặc điểm của uranium với ngành điện hạt nhân. « Quặng uranium phải trải qua bốn công đoạn thì mới trở thành những thanh nhiên liệu để tạo ra năng lượng hạt nhân. Nếu như các mỏ dầu hỏa hay khí đốt chỉ tập trung ở một số nơi, thì ngược lại, uranium là một nguyên tố rất phổ biến trên vỏ của trái đất. Tuy nhiên, có nhiều chênh lệch về giá cả khi khai thác các mỏ uranium. Do vậy thị trường uranium hiện tại tập trung vào một số quốc gia, trên thế giới có 15 nước sản xuất uranium tự nhiên. Đứng đầu Kazakhastan và Ouzbekistan ở Trung Á, kế tới là Úc và Canada. Ở châu Phi, nguồn sản xuất quan trọng nhất là Namibie ». Bí quyết thành công của Nga Trong một nghiên cứu gần đây, Teva Meyer cho thấy các quặng uranium hiện diện trên khoảng 53 quốc gia khác nhau, nhưng chỉ có hơn một chục nước trong số đó khai thác nguyên tố này. Nếu như chỉ một mình Kazakhstan chiếm 45 % sản xuất của toàn cầu, Ouzbekistan là 7 % thì nước Nga của Vladimir Putin với vỏn vẹn 5 %, một tỷ lệ không đủ để bảo đảm nhu cầu tiêu thụ nội địa, nhưng Nga lại là một mắt xích quan trọng trong dây chuyền năng lượng hạt nhân của thế giới. Chuyên gia Teva Meyer giải thích bí quyết nào đã đưa nước Nga vào vị trí trung tâm như vậy: « Nga sản xuất rất, rất ít uranium và phải nhập khẩu gần như toàn bộ nguyên liệu này từ Kazakhstan để đáp ứng nhu cầu nội địa về điện hạt nhân. Đặc điểm của Nga là ở chỗ, dù phải nhập khẩu đến 95 % uranium nhưng quốc gia này lại làm chủ công đoạn tinh chế và nhất là kỹ thuật là giàu uranium. Nhờ bí quyết ấy Nga xuất khẩu trở lại uranium dưới dạng uranium được làm giàu và thanh nhiên liệu cho phần còn lại trên thế giới. Toàn bộ các nhà máy điện hạt nhân trên lãnh thổ Nga sử dụng uranium nhập khẩu của Kazakhstan. Tất cả những hợp đồng cung cấp uranium và thanh nhiên liệu cho các đối tác quốc tế của Nga tùy thuộc vào khối lượng uranium do Kazakhstan cung cấp cho Nga. Nước Nga làm chủ 2 trong số 4 công đoạn then chốt để uranium có thể được đưa vào sử dụng trong các nhà máy điện hạt nhân. Hai khâu đó gồm : làm giàu uranium và chế biến uranium được làm giàu thành những viên bỏ vào những cái ống và chúng được gọi là những thanh nhiên liệu. Trong cả hai lĩnh vực này, Nga chiếm lợi thế bởi hai lý do : thứ nhất là giá thành sản xuất tại Nga rất thấp –chỉ bằng phân nửa so với ở những nơi khác trên thế giới như (ở Mỹ hay Pháp trước kia chẳng hạn). Lý do thứ nhì là nhân công cũng như giá năng lượng của Âu-Mỹ đắt hơn rất nhiều so với ở Nga ». « Giá thành rẻ » : Mỹ không dám trừng phạt uranium của Nga Ngay từ tháng 3/2022 các tập đoàn năng lượng hạt nhân của Mỹ đã ra sức vận động chính quyền Biden duy trì tất cả các hợp đồng với Rosatom. Mỹ lệ thuộc đến 25 % vào uranium được làm giàu của Nga. Tháng 8/2022 tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace cho biết trong Pháp vẫn nhập khẩu 210 tấn uranium được làm giàu của Nga, tương tự hồi 2021. Cũng Greenpeace hôm 11/03/2023 công bố một báo cáo về « mức độ lệ thuộc của Pháp vào Rosatom ». Thêm một lá chủ bài khác của Nga : Rosatom là tập đoàn duy nhất có khả năng cung cấp thanh nhiên liệu cho một số các nhà máy điện hạt nhân châu Âu. Lý do : « Nga nắm giữ bí quyết ở khâu cuối cùng », trước khi uranium được làm giàu dưới dạng một thứ bột màu đen được hun đúc lại thành từng viên bi với kích cỡ đặc biệt. Những viên bi đó được cho vào một những cái ống kim loại, mà người ta gọi là « thanh nhiên liệu ». Vấn đề đặt ra theo như giải thích của Teva Meyer « mỗi thanh nhiên liệu đã được cân đong đo đếm để sử dụng cho 1 kiểu lò phản ứng ». Chỉ có Rosatom mới có những viên uranium thích hợp với các lò phản ứng mà Rosatom đã xây dựng cho các khách hàng. Nói một cách đơn giản Phần Lan, Solvakia hay Hungary, Séc sử dụng lò phản ứng VVER-400 của Nga nên bắt buộc phải dùng thanh nhiên liệu do Nga cung cấp. Cộng Hòa Séc đã mất đến 7 năm mà vẫn chưa tìm được giải pháp thay thế cho những thanh nhiên liệu, những viên uranium được làm giàu của Nga.  Nga cũng sợ « bỏng tay » Thế còn về phía Nga : nếu như đã chiếm một vị trí then chốt như vậy trên thị trường uranium và nhất là trong lĩnh vực cung cấp các thanh nhiên liệu cho các nhà máy điện hạt nhân trên thế giới thì tại sao trong bối cảnh chiến tranh Ukraina, tổng thống Vladimir Putin không ra lệnh cho Rosatom « trừng phạt » các khách hàng, như Gazprom đã từng khóa van cung cấp dầu khí cho các đối tác châu Âu  ? Giáo sư Meyer đại học Haute-Alsace trả lời :  « Nga không dám bởi hai lý do. Một là thế giới hiện nay thừa sức và thừa khả năng làm giàu uranium. Điều đó có nghĩa nếu muốn, ngay lập tức các nhà máy tại châu Âu hay ở Mỹ đều có thể khởi động lại trong một sớm một chiều và như vậy các bên sẽ không bị lệ thuộc vào những hợp đồng đã ký kết với tập đoàn Rosatom của Nga nữa. Matxcơva không có lợi ích gì khi dùng uranium như một công cụ để bắt bí phương Tây như họ đã làm với dầu hỏa hay khí đốt. Lý do thứ nhì là uranium của Nga rất dễ để chuyển đến các thị trường khác trên thế giới. Có nghĩa là bất kỳ một quốc gia nào cũng có thể nhanh chóng tìm một nguồn cung cấp khác để thay thế vào chỗ mà các tập đoàn Nga để lại vì ở đây chúng ta không bị ràng buộc vì những hệ thống đường ống dẫn dầu hay đường ống dẫn khí đốt chôn trong lòng đại dương hay trên mặt đất… ». 1 tấn uranium = 3 triệu tấn than đá  Vẫn giáo sư Teva Meyer trong một bài tham luận gần đây đưa ra những con số cụ thể để so sánh : Chẳng hạn như tại Pháp, một lò phản ứng trung bình tiêu thu 1 mét khối uranium một năm. Để có được một khối lượng điện tương đương, thì người ta cần đến 3 triệu tấn than đá. Một mét khối chất uranium được làm giàu, rất dễ để vận chuyển kể cả bằng đường hàng không, tránh xung đột quân sự trên mặt đất. Trong các cuộc xung đột tại Ukraina hồi 2014 và nhất là từ năm ngoái, Rosatom vẫn đều đặn cung cấp uranium cho các nhà máy điện hạt nhân Hungary, Séc và Slovakia bằng đường hàng không. « Mỗi chuyến bay chở một khối lượng đủ để cho 1 lò phản ứng tại những nơi này hoạt động trong vòng 1 năm ».    Uranium : giới hạn đặt ở phía « cầu »  Nói như vậy tham vọng phát triển điện hạt nhân của Pháp và nhiều nước châu Âu khác, cũng như của Mỹ không sợ bị giới hạn vì nguồn cung cấp uranium ? Teva Meyer nhận định:  « Tôi không nghĩ rằng những quốc gia muốn phát triển năng lượng hạt nhân bị cản trở vì sợ thiếu uranium. Chúng ta đã tập trung vào trường hợp của Nga, một nhà cung cấp nhiên liệu cho các lò phản ứng hạt nhân trên thế giới. Đó là về phía cung. Nhưng nhìn về phía cầu, đây cũng sẽ là một vấn đề. Bởi ngoài Pháp ra, nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đang muốn phát triển điện hạt nhân để bớt lệ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch. Tôi muốn nói đến trường hợp của Trung Quốc và Ấn Độ. Nếu như cùng một lúc, cả thế giới lao vào cuộc chạy đua phát triển điện hạt nhân thì mọi người đều tranh giành uranium giá rẻ của Nga. Đó mới thực sự là một vấn đề. Thành thử, Nga là một yếu tố then chốt trên thị trường uranium nhưng đừng quên rằng đang có những quốc gia khác trên tế giới rất cần uranium cho cuộc chạy đua phát triển điện hạt nhân ».   Do thế giới không khan hiếm uranium, nguyên tố này lại không tập trung tại một số nơi trên mặt đất, do không bị ràng buộc ở các khâu vận chuyển, các nhà máy làm giàu uranium, các nhà điện hạt nhân có thể lắp đặt ở bất kỳ nơi nào (miễn là ngoài các vành đai lửa của động đất). Nga dù không có nhiều quặng uranium nhưng vẫn có thể trở thành tâm điểm của thị trường này nhờ công nghệ làm giàu uranium và chế tạo thanh nhiên liệu phục vụ cho các lò phản ứng hạt nhân. Phương Tây không dám đưa uranium Nga vào danh sách trừng phạt. Matxcơva thì biết rõ những giới hạn nếu dùng uranium sử dụng trong lĩnh vực dân sự như một vũ khí phục vụ các mục tiêu chiến lược. Dù không hoàn toàn lệ thuộc vào uranium của Nga nhưng, đối với các tập đoàn điện lược trên thế giới đã trang bị lò phản ứng của Rosatom, không dễ để thoát Nga. Ngoài bí quyết chế biến uranium được làm giàu thành thanh nhiên liệu, Nga còn làm chủ công nghệ tái xử lý các thanh nhiên liệu này. Chỉ có 4 % thanh nhiên liệu bị xếp vào hạng « rác thải hạt nhân ». Trong trường hợp của Pháp, tuy không lệ thuộc vào uranium tự nhiên của Nga, và có công nghệ làm giàu uranium nhưng tập đoàn Điện Lực Quốc Gia đã chọn  trao khâu « tái xử lý » các thanh nhiên liệu trong lò phản ứng trên lãnh thổ quốc gia cho nhà máy Seversk, đặt tại Tomsk trong vùng Siberie. Seversk là một chi nhánh trực thuộc Rosatom.
    3/28/2023
    9:26
  • SVB- Credit Suisse : Một cuộc khủng hoảng ngân hàng mới ?
    Trong hai ngày họp 21-22/03/2023 Cục Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ FED phải dập tắt những hoài nghi về mức an toàn của các ngân hàng Mỹ. Các giới chức tiền tệ khẳng định vụ ngân hàng SVB phá sản « đã thuộc về quá khứ ». Ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse thoát nạn nhờ được UBS mua lại. Hai tín hiệu khả quan đó chưa đủ để trấn an giới đầu tư. Lo ngại khủng hoảng từ Mỹ lan tới phần còn lại trên thế giới tái phát dù rằng Silicon Valley Bank -SVB là ngân hàng đứng hạng thứ 16 ở Mỹ, ít được công chúng biết đến. SVB chủ yếu là ngân hàng của các doanh nghiệp khởi nghiệp (start up) cấp hơn 200 tỷ tín dụng cho các thân chủ : 200 tỷ đô la tín dụng là một « giọt nước » nếu so sánh với trọng lượng của ngân hàng lớn nhất ở Hoa Kỳ là JPMorgan Chase. Tại cái nôi tài chính của Thụy Sĩ là Zurich, Credit Suisse tiếp tục trong tâm bão. Hai trường hợp của SVB và Credit Suisse không trực tiếp liên hệ với nhau nhưng cũng đủ để khuấy động các sàn chứng khoán trên thế giới và trở thành tâm điểm khóa họp của FED. Hai sự kiện đó đang gây thêm khó khăn cho các ngân hàng trung ương trên thế giới khi đang cần tăng lãi suất chỉ đạo trong mục tiêu chống lạm phát.   Không dễ dập tắt những đám cháy đang âm ỉ bùng lên từ ba yếu tố : nghi ngờ về hiệu quả các cơ chế giám sát hoạt động ngân hàng của Mỹ, tăng lãi suất chỉ đạo chống lạm phát và kịch bản các mạng xã hội châm ngòi cho một khủng hoảng ngân hàng lan nhanh và lan rộng từ Mỹ, thế giới không kịp trở tay. Credit Suisse thoát nạn nhưng đẩy ngành tài chính Thụy Sĩ vào bước « vô định » Tại Thụy Sĩ, ngân hàng lớn nhất UBS chính thức thông báo mua lại Credit Suisse với giá là 3 tỷ franc (gần tương đương với 3 tỷ đô la Mỹ). Một khi thủ tục hoàn tất, tổ hợp UBS-Credit Suisse quản lý hơn 5.000 tỷ đô la vốn đầu tư, một số tiền lớn hơn gấp gần 6 lần so với GDP của Thụy Sĩ (800 tỷ đô la năm 2021 theo thống kê của Ngân Hàng Thế Giới). Chính quyền Thụy Sĩ, cũng như các giới chức ngân hàng tại BCE (Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu) hay Cục Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ  hoan nghênh quyết định nói trên. Nhưng trên các sàn chứng khoán tại châu Âu trong phiên giao dịch ngày 20/03/2023 cổ phiếu của các ngân hàng tại Paris hay Frankfurt và cả ở Zurich tiếp tục trượt giá cho đến gần cuối ngày. Cố phiếu của cả Credit Suisse (-66 %) lẫn UBS (- 12 %) cùng mất giá mạnh. Truyền thông Thụy Sĩ nói đến « một ngày đen tối » cho ngân hàng lớn thứ hai là Credit Suisse bị UBS « nuốt chửng » với giá « rẻ như bèo » hơn 3 tỷ đô la. Chính giới ở Berne cho rằng thương vụ này làm xấu đi thêm hình ảnh của Thụy Sĩ, một cột trụ tài chính trên thế giới. Nhìn từ phía các nhà đầu tư, việc UBS thâu tóm Credit Suisse đặt ra nhiều vấn đề. Thứ nhất UBS đang rất thịnh vượng, lãi hơn 7 tỷ đô la trong năm vừa qua, Credit Suisse sẽ là một « gánh nặng » cho UBS và đó là điều mà các cổ đông của UBS không mong muốn.   Điểm thứ hai là do gấp rút « cứu nguy » Credit Suisse, các cổ đông của UBS đã không được tham khảo ý kiến. Có hàng loạt những câu hỏi chưa được giải đáp chẳng hạn như mua lại Credit Suisse ảnh hưởng như thế nào về nhân sự, về cách tổ chức lại các hoạt động của UBS. UBS có 200 chi nhánh trên thế giới, Credit Suisse là 95 và hiện diện tại khoảng 50 quốc gia khác nhau. Chắc chắn là sau cuộc « hôn nhân miễn cưỡng này » sẽ có một số văn phòng đại diện của cả đôi bên phải đóng cửa. Điểm cuối cùng gây lo ngại là trọng lượng quá lớn của UBS và Credit Suisse sau này. Như vừa nói 5.000 tỷ đô la là một số tiền lớn gần gấp 6 lần so với GDP của Thụy Sĩ. Để so sánh, GDP của Pháp trong năm 2022 là 3.200 tỷ đô la. Ngành ngân hàng Mỹ vẫn trong « chảo lửa » Nhìn sang Hoa Kỳ, tình hình vẫn « sôi sục ». Mười ngày sau vụ ngân hàng Silicon Valley Bank phá sản đã có thêm hai ngân hàng khác (Silvergate Bank và Signature Bank chuyên về tiền ảo) đã bị khai tử và một ngân hàng thứ ba là First Republic Bank (trụ sở tại San Francisco-California) đang hấp hối dù đã được nhiều đối tác hỗ trợ, cấp 30 tỷ đô la tiền mặt để có thể tiếp tục cầm cự. Trở lại với điểm khởi đầu từ khi ngân hàng SVB tại bang California, chuyên phục vụ ngành công nghệ ở thung lũng Silocon phá sản. Trên đài RFI Pháp ngữ sáng lập viên công ty tư vấn tài chính Global Sovereign Advisory, trụ sở tại Paris, bà Anne Laure Kiechel trước hết nhấn mạnh đến nét đặc thù của ngành công nghệ cao, của các start-up và liên hệ của số này với ngành tài chính ngân hàng. Anne Laure Kiechel  : « SVB là một ngân hàng chuyên tập trung vào các công ty khởi nghiệp trong thung lũng công nghệ bang California là Silicon Valley. Đây là một tính toán mang tính rủi ro cao khi mà một ngân hàng nhắm vào một lĩnh vực, một loại khách hàng duy nhất trên một phương diện rất đặc biệt là công nghệ cao. Hơn nữa các start up có một đặc điểm. Đó là những thực thể cần huy động vốn để phát triển, nhưng lại cần thời gian để kiếm ra lời. SVB chủ yếu cấp tín dụng cho các công ty khởi nghiệp bằng vốn ủy thác của thân chủ. Khi mà Cục Dự Trữ Liên Bang tăng lãi suất chỉ đạo lâp tức trị giá tài sản của tất cả các ngân hàng đều bị giảm sụt. Nói một cách dễ hiểu, đối với một ngân hàng thương mại, việc Ngân Hàng Trung Ương tăng lãi suất chỉ đạo là tin xấu. Đó là sự thật đối với bất kỳ một nhà băng nào ở khắp mọi nơi trên thế giới ». Theo thẩm định của các giới chức tài chính Mỹ, chỉ cần FED tăng lãi suất chỉ đạo 0,25 điểm, trị giá tài sản của SVB giảm đi mất một tỷ đô la. Từ 2021 Ngân Hàng Tung Ương Mỹ -Cục Dự Trữ Liên Bang đã nhiều lần tăng lãi suất chỉ đạo. Lãi suất đó đang từ gần như 0 % đã tăng lên thành 4,25 %. Vết dầu loang ? Do chỉ giao dịch với giới trong ngành công nghệ, SVB dùng tiền ủy thác của khách hàng đầu tư mua công trái phiếu của chính phủ Mỹ, đó là những công trái phiếu « dài hạn ». Khi cần ngăn chận lạm phát như mọi ngân hàng trung ương trên thế giới Cục Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ tăng lãi suất chỉ đạo. Những người ký gửi tiền vào SVB muốn rút lại vốn, đầu tư nơi khác, chóng kiếm lời hơn. SVB rơi vào hoàn cảnh « thiếu hụt tiền mặt -bank-run » khi mà nhiều thân chủ cùng muốn rút tiền một lúc.  Anne Laure Kiechel : « Một khi biết là đang rơi vào bẫy do lãi suất chỉ đạo tăng lên và không có được những công cụ để bảo vệ vững chắc, giới lãnh đạo của SVB đã cuống lên. Họ đã phải bán đổ bán tháo công trái phiếu đang nắm giữ để có đủ tiền mặt, đáp ứng nhu cầu vay mượn từ phía các công ty khởi nghiệp. SVB lỗ nhiều trong các thương vụ tài chính này. Họ mất hàng triệu bạc. Cho nên phải huy động thêm vốn để lấp vào chỗ trống. Nhưng SVB không đủ sức huy động thêm các nhà đầu tư, không vay thêm được trên thị trường tài chính. Công luận bắt đầu lo ngại và mất tin tưởng vào ngân hàng SVB. Trong ngành ngân hàng, chữ tín là yếu tố quan trọng hàng đầu. SVB rơi vào cái vòng luẩn quẩn và lại phải bán thêm các công trái phiếu đang nắm giữ. Tài sản của SVB bốc hơi». Tương tự như Credit Suisse ngân hàng Mỹ SVB cũng đã bất lực khi cần huy động thêm vốn. Tuy nhiên có một khác biệt lớn : Credit Suisse là 1 trong số 30 ngân hàng lớn nhất thế giới, hiện diện trong nhiều lĩnh vực (từ địa ốc đến bảo hiểm, công nghiệp dược phẩm….). Trái lại SVB đã bỏ tất cả các trứng vào một giỏ công nghệ. Nhờ đó « khủng hoảng » của SVB tương đối được giới hạn trong thế giới công nghệ cao và ở thung lũng Silicon, bang California. Sáng lập viên cơ quan tư vấn tài chính Global Sovereign Advisory từng làm việc tại ngân hàng Lehman Brothers Anne Laure Kiechel so sánh :   Anne Laure Kiechel : « Hiện tại hệ thống ngân hàng không bị đe dọa và chúng ta không ở trong tình trạng như hồi 2008 với vụ ngân hàng Lehman Brothers. Để so sánh, hai ngân hàng này có trọng lượng hoàn toàn khác nhau, SVB chỉ đứng hàng thứ 16 trong số các ngân hàng ở Mỹ với hơn 200 tỷ đô la tài sản. Khác với Lehman Brothers, hoạt động của Silicon Valley Bank giới hạn trong một lĩnh vực là công nghệ với những khách hàng khoanh vùng ở bang California. Do vậy bị phá sản, SVB không gây ra hiệu ứng đô mi nô, không kéo theo những ngân hàng khác, những lĩnh vực khác vào khủng hoảng. Thêm vào đó từ 2008 Mỹ đã thắt chặt luật kiểm soát các hoạt động ngân hàng. Có điều chính quyền Trump năm 2018 đã nới lỏng đạo luật mang tên Dodd -Frank để rồi một số định chế tài chính của Hoa Kỳ như SVB lọt lưới giám sát của các cơ quan nhà nước ». Tạm tránh được hiện tượng đổ dàn Trước mắt cổ phiếu các ngân hàng, nhất là tại châu Âu tiếp tục mất giá nhưng không trong thế « rơi tự dọ » như hồi 2008 sau khi Lehman Brothers thông báo phá sản. Nhưng không chắc là ngành ngân hàng đã thoát hiểm. Laurence Nardon, chủ nhiệm chương trình nghiên cứu tại Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp nêu lên những yếu tố như sau. Sau vụ SVB phải đóng cửa, từ tổng thống Hoa Kỳ đến lãnh đạo Cục Dự Trữ Liên Bang, từ bộ trưởng Tài Chính đến giám đốc  FIDC (Cơ Quan Bảo Hiểm Ký Thác Liên Bang trực thuộc chính phủ Liên Bang Mỹ có trọng tránh giám sát và bảo chứng các khoản tiền ủy thác ở các ngân hàng) đều gia sức trấn an công luận về mức độ an toàn của các ngân hàng Mỹ. Tác động khá thành công nhưng một cuộc khủng hoảng tiềm tàng khác dấy lên từ Credit Suisse ở Thụy Sĩ. Hai sự kiện nói trên kiến công luận nghi ngờ về tính hiệu quả của các cơ chế giám sát, ngành tài chính ngân hàng của Mỹ, của châu Âu tránh để kịch bản Lehman Brothers tái diễn kéo theo nhiều ngân hàng khác vào vòng xoáy khủng hoảng. SVB với chưa đầy 250 tỷ vốn nên đã  « thoát lưới » giám sát của các giới chức ngân hàng Mỹ. Sẽ có thêm bao nhiêu trường hợp tương tự như SVB nữa trong bối cảnh lạm phát tiếp diễn và các ngân hàng trung ương sẽ còn tiếp tục nâng lãi suất chỉ đạo ? Đó là yếu tố thứ hai khiến ngành ngân hàng trong thế bị động. Lý do thứ ba là trong thời đại kỹ thuật số, thông tin được truyền tải nhanh chóng trên các mạng xã hội, SVB rơi vào tâm bão khi rộ lên trên các mạng xã hội những lời đồn đoán về mức độ an toàn của tập đoàn ngân hàng này. Lập tức các thân chủ vôi vã rút tiền khỏi SVB và tập đoàn này rơi vào vòng luẩn quẩn không hồi kết. Đâu đó theo bà Nardon thuộc viện IFRI mạng xã hội cũng là một yếu tố gây ra khủng hoảng ngân hàng ở bang California. Trong trường hợp của Credit Suisse, một tuyên bố vụng về của lãnh đạo ngân hàng này khi ông thanh minh rằng « không liên hệ với SVB » cộng thêm với quyết định không sai của môt trong hai nhà tài trợ chính cho Credit Suisse là ngân hàng Ả Rập Xê Út được diễn giải như một tín hiệu là đối tác Trung Đông này mất tín tưởng vào ngân hàng Thụy Sĩ, đã đổ dầu vào lửa.    Ba yếu tố nói trên cộng lại tạo nên một nỗi lo về mặt tâm lý mà tới nay các phân tích, thống kê dù là khả quan vẫn chưa đủ sức tái tạo niềm tin.
    3/21/2023
    10:10
  • Công nghệ cao mang tính chiến lược : Mỹ thua Trung Quốc
    « Phương Tây đã nhầm về tiềm năng của Bắc Kinh ». Mỹ không còn là trung tâm khoa học và công nghệ thế giới. Liên Âu mờ nhạt chạy theo cuộc đua. Theo chuyên gia về tin học và kỹ thuật số Julien Nocetti Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI và trường đào tạo sĩ quan Saint Cyr, báo cáo của viện nghiên cứu Úc ASPI công bố đầu tháng 3/2023 cho thấy Trung Quốc đang nắm giữ những « chìa khóa an ninh, quân sự, kinh tế ».  Thấy gì từ bước « nhẩy vọt của công nghệ cao » Trung Quốc với những tác động kèm theo ? Ngày 02/03/2023 báo cáo Viện Nghiên Cứu về Chính Sách Chiến Lược Úc ASPI công bố cho thấy Trung Quốc đang dẫn đầu cuộc đua về công nghệ mũi nhọn, đặc biệt là trong những lĩnh vực then chốt  - critical technologies hay còn được gọi là những công nghệ cao mang tính chiến lược - strategic technologies.   Trung Quốc thắng Mỹ 1-0 Trong số 44 lĩnh vực ASPI đưa vào danh sách, Hoa Kỳ chỉ còn chiếm thế thượng phong ở 7 điểm và đã nhường vị trí hàng đầu trong 37 lĩnh vực còn lại cho Trung Quốc. Thế áp đảo của Mỹ khoanh vùng ở công nghệ bán dẫn, tin học lượng tử, tin học hiệu suất cao, công nghệ phóng vệ tinh thu nhỏ hay vac-xin... Trong số 37 « công nghệ chiến lược » ngày nay do Trung Quốc dẫn đầu chủ yếu nhằm phục vụ ngành quốc phòng, không gian, công nghệ thử nghiệm phóng tên lửa siêu thanh, vật liệu tiên tiến, công nghệ robot, trí thông minh nhân tạo … Hơn thế nữa, Trung Quốc đã chiếm thế độc quyền trong một số ngành như sản xuất bình điện, công nghệ viễn thông 6G … Viện Khoa Học Hàn Lâm Bắc Kinh « thường đứng thứ nhất hay thứ nhì kể cả trong những mảng nghiên cứu mà đến nay Mỹ luôn giữ thế áp đảo ». Trung Quốc đã soán ngôi của Hoa Kỳ về công nghệ hydrogen, về kỹ thuật chế biến amoniac để phục vụ trong công nghiệp năng lượng, công nghệ sản xuất vật liệu nano … Từ 2021 Trung Quốc đã qua mặt Mỹ về số lượng hồ sơ đăng ký cấp bằng sáng chế hàng năm. 10 viện nghiên cứu của thế giới được đặt tại Hoa Lục và đây là «nhà máy sản xuất » các công trình nghiên cứu « có ảnh hưởng nhất định » cao gấp 9 lần so với của Mỹ. Thành công đó có được là nhờ « 20 % tác giả của những công trình nghiên cứu đó từng được đào tào tại Mỹ, Canada, Anh, Úc và New Zealand ». Đấy cũng là 5 quốc gia trong nhóm liên minh tình báo Five Eyes.   Dốc sức lực cho lĩnh vực hàng không, không gian Vẫn theo báo cáo của ASPI, gần một nửa các công trình nghiên cứu của Trung Quốc nhằm đóng góp cho công nghệ chế tạo động cơ máy bay tiên tiến, động cơ siêu thanh. 7 trong số 10 trung tâm nghiên cứu hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này thuộc về Trung Quốc. Trả lời đài RFI tiếng Việt, chuyên gia về tin học và kỹ thuật số Julien Nocetti Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI và giảng dậy tại trường đào tạo sĩ quan Saint Cyr, nhấn mạnh liên hệ mật thiết giữa nhu cầu phát triển công nghệ của Trung Quốc với mục tiêu an ninh và quân sự :   Julien Nocetti : « Ngay cả trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo, Trung Quốc quan niệm là phát triển kinh tế phải gắn liền với vế an ninh và quân sự. An ninh, là bởi vì về đối nội Trung Quốc tăng cường các công cụ kiểm soát công dân nước này nhờ công nghệ số. Chẳng hạn như qua hệ thống chấm điểm công dân. Để thưởng hay phạt điểm các công dân, chính quyền cần dựa vào những dữ liệu digital, cần lắp đặt camera thu hình ở khắp mọi nơi. Thông thường Âu, Mỹ xem và khai thác các dữ liệu kỹ thuật số dưới góc độ thương mại hay pháp lý. Châu Âu chẳng hạn chú trọng đến việc phải bảo mật các dữ liệu về thông tin cá nhân… Thế còn ở Trung Quốc thì người ta quan niệm khác. Họ chủ trương là cần phải làm chủ các dữ liệu đó vì lý do an ninh quốc nội, vì Trung Quốc cần tăng cường các biện pháp kiểm soát công dân nước này. Đây là một điểm hết sức quan trọng để hiểu được vì sao công nghệ cao của Trung Quốc đã phát triển mạnh và để rồi giờ đây, đủ sức vươn ra thế giới ».  (…)  Còn về mục đích quân sự thì Bắc Kinh chủ trương đến năm 2030 và nhất là từ nay đến 2049, đúng kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, Trung Quốc phải qua mặt được Mỹ cả về mặt quân sự nhờ những loại vũ khí và trang thiết bị càng lúc càng tối tân. Thí dụ như là Bắc Kinh có hẳn cả một chương trình trang bị cho các binh sĩ những bộ y phục « thông minh » gắn đầy bọ điện tử để thu thập thông tin, bắn đi những tín hiệu định vị… Tất cả những yếu tố đó, trong dài hạn sẽ giúp quân đội Trung Quốc chiếm thế thượng phong ».  Nền tảng để trở thành một siêu cường công nghệ thế giới Các đồng tác giả báo cáo của Viện Nghiên Cứu về Chính Sách Chiến Lược Úc kết luận : « Bắc Kinh đã đặt nền tảng để trở thành siêu cường số 1 thế giới về khoa học và công nghệ ». Trong cuộc đua công nghệ, « các nền dân chủ phương Tây đang thua cuộc từ về mặt khoa học, nghiên cứu đến khả năng tuyển mộ nhân tài ». Nguy hiểm ở đây đối với Tây Phương : « Đấy lại là những yếu tố quyết định cho phát triển và việc kiểm soát những công nghệ then chốt của thế giới trong hiện tại và tương lai ».   Trong diễn văn bế mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc Hội Trung Quốc khóa 14 hôm 13/03/2023 ông Tập Cận Bình vừa chính thức được chỉ định thêm nhiệm kỳ thứ 3 ở cương vị chủ tịch nước và chủ tịch Quân Ủy Trung Ương đã tuyên bố : « An ninh là nền tảng của sự phát triển. Ổn định là điều kiện tiên quyết của thịnh vượng ». Mà để đạt được mục tiêu đó thì Trung Quốc cần thúc đẩy để « có một hệ thống phòng thủ quốc gia hiện đại toàn diện (…) quân đội phải là bức vạn lý trường thành bằng thép bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển quốc gia ».   Hai ngày trước, thượng tướng Lý Thượng Phúc (Li Shangfu) được bầu làm bộ trưởng Quốc Phòng. Từng chỉ huy chương trình hàng không vũ trụ của Trung Quốc, việc tướng Phúc đứng đầu bộ Quốc Phòng Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh càng lúc càng chú trọng đến phát triển công nghệ phòng thủ hàng không - không gian. Thế giới nhầm về tiềm năng của Trung Quốc ? Trong bài nghiên cứu đăng trên tạp chí địa chính trị Grand Continent ngày 15/02/2023 Alice Pannier thuộc viện IFRI định nghĩa và nêu bật một số nét đặc thù của các công nghệ chiến lược và then chốt. Khái niệm « Công nghệ then chốt -critical technologies » xuất hiện từ thập niên 1990 ở Mỹ hiểu theo nghĩa đó là những « công nghệ mang tính then chốt vì lợi ích quốc gia (…) trong đó bao gồm lợi ích kinh tế về dài hạn ». Đó là những lĩnh vực mà doanh nghiệp tư nhân ít quan tâm. Công nghệ then chốt liên quan đến những lĩnh vực mang tính cạnh tranh ở cấp quốc tế và có thể trở thành mục tiêu của các hoạt động dọ thám. Do vậy ở đây cần có sự can thiệp của Nhà nước. Trung Quốc không là một ngoại lệ. Điểm thứ nhì là khi nói đến « công nghệ cao » hay các « công nghệ mới » đòi hỏi cộng tác - qua đó là mức độ lệ thuộc của một Nhà nước vào các đối tác tư nhân, vào các nguồn cung cấp trong lĩnh vực dân sự, vào các nhà cung cấp trang thiết bị … thường là của nước ngoài. Chính vì thế mà Trung Quốc không chỉ mới đây mà đã từ lâu nhắm tới mục tiêu tự chủ về công nghệ. Julien Nocetti : « Trong 20 năm đầu của thế kỷ 21 chúng ta cứ nghĩ rằng Trung Quốc là một nền công nghiệp sản xuất đại trà, lấy số nhiều làm chủ đạo, hàng rẻ Trung Quốc tràn ngập thị trường thế giới. Trung Quốc là một nhà cung cấp các dịch vụ tầm thường với giá rẻ. Không thể phủ nhận điều này, nhưng bên cạnh đó - mà tiêu biểu nhất là trường hợp của Hoa Vi, thì Trung Quốc đã có những sản phẩm và dịch vụ cao cấp về công nghệ để chinh phục thế giới. Cho dù là Mỹ đã liên tiếp viện lý do an ninh quốc gia để kềm hãm các tập đoàn Trung Quốc, Bắc Kinh vẫn đã có những bước nhẩy vọt về công nghệ vì lợi ích phát triển kinh tế, vì lợi ích chính trị và chiến lược. Một lần nữa Trung Quốc quyết tâm tăng cường sức mạnh cho quân đội quốc gia, để đầu tiên hết là không bị phụ thuộc vào công nghệ tiên tiến của phương Tây và kế tới là trực tiếp cạnh tranh và khuynh đảo thế thượng phong về mặt quân sự của Hoa Kỳ. Bắc Kinh sợ rằng sức mạnh quân sự của Mỹ hiện nay đang nhắm vào Thái Bình Dương và ở những vùng sát cạnh với Trung Quốc, trong đó có một điểm nhậy cảm như là Đài Loan ». Vẫn Julien Nocetti thuộc viện IFRI và của trường sĩ quan Saint Cyr lưu ý báo cáo vừa được viện nghiên cứu Úc ASPI công bố mới chỉ là khúc dạo đầu. Đến khoảng 2030-2040 và thậm chí là 2050 thì những thành công và tham vọng thực thụ của Bắc Kinh về công nghệ sẽ càng rõ rệt hơn nữa bởi hiện tại Trung Quốc vẫn đang trong quá trình « lấp vào những lỗ hổng » và vẫn chưa hoàn toàn tự lập. Theo ông Nocetti, ở thời điểm 2023 « Trung Quốc chưa thể đứng ngang hàng với Mỹ » nhưng đó chỉ là vấn đề thời gian, bởi ngay cả Hoa Kỳ chứ đừng nói đến Liên Âu cũng khó có thể cạnh tranh với Bắc Kinh khi mà Trung Quốc đã từ hai thập niên qua đẩy mạnh đầu tư vào nhân sự, vào các phương tiện, biến các trường đại học các học viện thành những thỏi nam châm hút công nghệ và kiến thức của phương Tây. 20 % các chuyên gia Trung Quốc công bố các công trình nghiên cứu đáng tin cậy theo báo cáo của ASPI từng được đào tạo ở nước ngoài. Số này đã trở về nước phục vụ. Hệ quả kèm theo là Âu-Mỹ trong thế phải chạy theo sau để bắt kịp Trung Quốc. Một trật tự mới về khoa học-công nghệ    Julien Nocetti : « Về lâu dài, nguy cơ ở đây là tình thế bị đảo ngược, tức là Mỹ và châu Âu phải rượt đuổi để bắt kịp Trung Quốc về mặt công nghệ cao, mà chính những công nghệ mang tính chiến lược đó hiện tại đang là những cái phao đối với các nền kinh tế phương Tây. Tuy nhiên cần phân biệt rõ trường hợp của Hoa Kỳ với Liên Âu. Từ khi lên cầm quyền, tổng thống Biden đã đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ cao qua các chương trình đầu tư hàng chục tỷ đô la vào công nghiệp bán dẫn, vào trí thông minh nhân tạo... Về phía Liên Hiệp Châu Âu, những sáng kiến và dự án của châu Âu bị xé lẻ. Bruxelles, Paris hay Berlin đầy tham vọng chính trị để toàn khối này phải tự lập về mặt công nghệ. Hiềm nỗi ngay các thành viên trong Liên Âu cũng là những đối thủ trực tiếp cạnh tranh với nhau để thu hút đầu tư nước ngoài. Mục tiêu và tham vọng tự chủ về công nghệ cao, về kỹ thuật số của Liên Hiệp Châu Âu qua đó thực sự đang bị thách thức ». Trong bài tham luận đăng trên trang mạng của IFRI hôm 15/02/2023 Alice Pannier đơn cử trường hợp của công nghệ lượng tử, một lĩnh vực đáp ứng cùng lúc các lợi ích kinh tế và an ninh. Do mới ở giai đoạn đầu, giới chuyên gia quốc tế cần hợp tác chia sẻ kiến thức. Ở giai đoạn này châu Âu đã mở cửa và dễ dàng cộng tác với các viện nghiên cứu ngoài khối, từ Mỹ đến Trung Quốc Úc, Ấn Độ, Canada ... Nhưng khi chuyển từ khâu nghiên cứu sang giai đoạn áp dụng thực hành, thì theo tác giả bài viết, nhiều vấn đề cụ thể về hợp tác đã đặt ra giữa các nhà nghiên cứu châu Âu với các đối tác Trung Quốc. Trong đó bao gồm từ bản quyền, đến quyền tự do công bố kết quả nghiên cứu... để rồi giờ đây Trung Quốc đang dẫn đầu cuộc đua. Còn trong quá trình hợp tác với các đồng cấp Mỹ, thì châu Âu cũng chóng nhận thấy một sự bất cân đối giữa các viện nghiên cứu hai bên bờ Đại Tây Dương. Một trong những bất cân đối đó là phương tiện tài chính. Tựu chung, hợp tác với các phòng nghiên cứu của Mỹ theo tinh thần có lợi cho cả đôi bên cũng không phải là chuyện dễ !  Như trong nhiều lĩnh vực khác, một lần nữa Châu Âu đang nhường lại cuộc chơi cho Mỹ và Trung Quốc.
    3/14/2023
    9:29
  • Kinh tế tăng trưởng mạnh, Gruzia là một trong những nước hưởng lợi từ chiến tranh Ukraina
    Gruzia đang trở một trong những quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới vào năm 2022, bất chấp khủng hoảng năng lượng và lạm phát. Cuộc chiến tranh Ukraina đã khiến hàng trăm ngàn người rời khỏi Nga và lựa chọn đến Gruzia. Chủ yếu là những người trẻ có trình độ cao và mang theo nhiều tiền mặt.  Nằm ở vị trí chiến lược, Gruzia trở thành con đường kết nối châu Âu và châu Á, trên con đường tơ lụa mới (New Silk Road). Mười năm trở lại đây, nền kinh tế 3,7 triệu dân đã ghi nhận những tăng trưởng đáng kể, từ 3 đến 5 % trước đại dịch Covid-19. Do ngành dịch vụ, du lịch chiếm 60 % trong cơ cấu kinh tế, Gruzia cũng như nhiều nước khác, đã phải chịu tác động nặng nề từ Covid-19 và bước sang giai đoạn phục hồi.     Tăng trưởng đầy "bất ngờ" Với hơn 800 km đường biên giới chung với Nga, các dự báo tăng trưởng của Gruzia được đưa ra không mấy tích cực đầu năm 2022. Tuy nhiên, trường hợp của Gruzia đã khiến các nhà kinh tế “đau đầu”, nhiều lần phải sửa đổi báo cáo trong những tháng cuối năm. Trả lời phỏng vấn của RFI Tiếng Việt (15/11/2022), nhà kinh tế học Lasha Kavtaradze, trưởng phòng Phân tích và Dự báo Kinh tế Vĩ mô tại viện nghiên cứu Galt & Taggart, có trụ sở tại Tbilisi, cho biết mức tăng trưởng lên hai số là điều mà không ai ngờ tới :  “Vào đầu năm 2022, trước khi chiến tranh Nga – Ukraina xảy ra, chúng tôi đã dự báo rằng tỷ lệ răng trưởng kinh tế có thể đạt 5 %. Tuy nhiên khi chiến tranh bắt đầu, chúng tôi đã phải thay đổi, và hạ thấp tỷ lệ này xuống. Chúng tôi đã tiếp tục thay đổi vài tháng sau đó do số lượng người Nga di cư sang Gruzia gia tăng trong thời gia qua. Chúng tôi ghi nhận dòng tiền từ nước ngoài đổ vào Gruzia tăng mạnh. (Tính đến tháng 10/2022), tỷ lệ tăng trưởng kinh tế đã lên đến 10.2 %.”     Không chỉ cơ quan của ông Lashka, tổ chức tư vấn đầu tư Galt & Taggart, bị bất ngờ, nhiều tổ chức quốc tế khác cũng đã ghi nhận trường hợp tương tự. Ngân hàng Tái cấu trúc và Phát triển châu Âu, vào tháng 03/2022, đã dự đoán rằng cuộc xung đột ở Ukraina sẽ giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế Gruzia. Ngân hàng Thế giới cũng dự báo vào tháng 4/2022 rằng tăng trưởng của Gruzia sẽ giảm xuống còn 2,5% từ mức 5,5% ban đầu.    Đến tháng 11/2022, Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) công bố báo cáo về tăng trưởng “không ngờ của Gruzia”, trong khi mà nhiều nước tăng trưởng đi xuống và phải đối mặt với cảnh lạm phát, giá năng lượng do cuộc chiến ở Ukraina. Ngân hàng Trung ương Gruzia cho biết, từ tháng Tư đến tháng Chín 2022, người Nga đã chuyển hơn 1 tỷ đô vào Gruzia, qua chuyển khoản từ ngân hàng hay các dịch vụ chuyển tiền khác. Con số này cao gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2021. Theo báo cáo của tổ chức Transparency, có trụ sở tại Tbilisi, Gruzia, riêng trong năm 2022, Gruzia đã nhận được tổng tộng 3,6 tỷ đô la từ Nga, qua hình thức kiều hối (remittances), du lịch, xuất khẩu hàng hoá…, gấp 4 lần so với 2021 từ các nguồn tương tự. Con số này tương đương với 14,6% GDP của Gruzia vào năm 2022. Trước đó, tỷ lệ cao nhất chỉ đạt 9,9% GDP vào năm 2018.   Chính sách thị thực dễ dàng của Gruzia Các lệnh trừng phạt của phương Tây khiến nền kinh tế Nga bị cô lập, nhiều tập đoàn đa quốc gia đã đóng cửa, ngừng hoạt động ở Nga. Nhiều đường bay quốc tế bị tạm ngưng. Thêm vào đó là lệnh động viên 1 phần cho chiến trường ở Ukraina, hàng trăm ngàn người đã lựa chọn rời khỏi đất nước. Một nước láng giềng, từng thuộc khối Liên Xô cũ là một lựa chọn lý tưởng. Ngoài vị trí địa lý và gần gũi về văn hoá với Nga, Gruzia còn ban hành chính sách nhập cư “tự do”, cho phép người nước ngoài từ nhiều quốc tịch khác nhau, đến sinh sống, làm việc và thành lập doanh nghiệp mà không cần xin thị thực trong vòng 1 năm. Hơn 100 000 người Nga đã đến Gruzia kể từ khi chiến tranh nổ ra. Vào tháng 9 năm ngoái, các trạm kiểm soát biên giới giữa hai nước trong tình trạng quá tải. Các dòng xe nối dài hàng chục km tại các cửa khẩu giữa Nga và Gruzia chờ thông quan.     Theo nhà kinh tế học Lasha Kavtaradze, có 2 đợt nhập cư chính từ Nga vào Gruzia: “Đợt đầu tiên là kể từ khi chiến tranh bắt đầu, ước tính có khoảng 70 000 người Nga đã đến Gruzia Đến mùa hè thì con số này giảm xuống khoảng 50 000. Nhưng từ sau tháng 9, chúng tôi chứng kiến đợt di cư lớn thứ hai từ Nga, thêm khoảng 80 000 người. Một tổ chức nghiên cứu kinh tế của Đức đánh giá rằng ở làn sóng thứ nhất thường là những người di cư có trình độ cao, làm việc trong các lĩnh vực công nghệ, như IT và chi phí sinh hoạt hàng tháng mà họ trả khi di cư tới Gruzia rơi vào khoảng 1700 -3000 đô la. Tuy nhiên làn sóng thứ hai thì được cho là những người có thu nhập thấp, thấp hơn so với những người đến trong đợt 1. Nếu xét đến tác động từ cả hai làn sóng này tạo ra đối với tăng trưởng kinh tế Gruzia, khiến GDP tăng 11 %.”   Theo Reuters, nền kinh tế tương đối khiêm tốn, trị giá khoảng 19 triệu đô la, được biết đến trong khu vực bởi các ngọn núi hùng vĩ và thung lũng nho, đang dần vượt các nền kinh tế mới nổi về tốc độ tăng trưởng như Việt Nam hay các nước xuất khẩu dầu khí, như Kuwait, (giàu có nhờ giá dầu khí tăng cao). Hãng tin Anh trích dẫn nhận định của giám đốc điều hành của ngân hàng TBC ở Gruzia, cho rằng“kinh tế có nhiều tiến triển và tất cả các ngành công nghiệp đều khởi sắc, từ doanh nghiệp nhỏ đến lớn. Đúng là có một cơn bùng nổ !”   Dòng tiền Nga đổ vào Gruzia Theo báo cáo của German Economic Team về tình hình này, những người di cư từ Nga đến Gruzia thường sẽ ở lại khoảng 6 tháng, điều này ít nhiều cũng đã tạo ra tác động tích cực đối với nền kinh tế Gruzia, vốn đang phục hồi sau suy giảm của đại dịch Covid-19. Theo số liệu của Cơ quan thống kê Gruzia, từ tháng 1 đến tháng 11/2022, 12083 doanh nghiệp Nga được đăng ký ở Gruzia, cao gấp 13 lần so với cả năm 2021.Thêm vào đó, vào tháng 09/2022, các ngân hàng tại Gruzia cũng ghi nhận hơn 45 000 tài khoản do người Nga đứng tên, tức là tăng gấp đôi so với những năm trước đó.    Nhà kinh tế học Lasha Kavtaradze nhận xét : “Nếu như nhìn vào tổng thể thu nhập từ di dân, một trong số họ gửi tiền trong ngân hàng và không tiêu chúng. Hơn nữa, Gruzia không chỉ tiếp nhận di dân từ Nga mà còn từ Belarus hay Ukraina, do vậy dòng tiền như vậy giúp thúc đẩy lượng cầu (demand) và đầu tư, cũng như tác động tích cực đến tiền lari của Gruzia, hiện nay đã tăng 12% so với đô la (theo số liệu từ tháng 11/2022).” Gruzia cũng không phải là nước duy nhất được hưởng lợi từ dòng người di cư từ Nga do chiến tranh Ukraina. Nhà kinh tế học Lasha Kavtaradze cho biết Thổ Nhĩ Kỳ, Armenia cũng đã đạt được những tăng trưởng kinh tế đáng kể từ nguồn tài chính tương tự. Các quốc gia này đã phản đối các trừng phạt của phương Tây đối với Nga, đổi lại, thu hút dòng tiền từ Nga. Tăng trưởng kinh tế đạt 11 % tại Armenia và 7 % đối với Thổ Nhĩ Kỳ vào năm vừa qua. Theo CNBC, Thổ Nhĩ Kỳ đã cấp giấy phép cư trú cho 118.826 người Nga, 1/5 doanh số từ bất động sản cho khách nước ngoài là đến từ người Nga.   Giá bất động sản bùng nổ Quay trở lại Gruzia, dòng người di dân đến Gruzia có thể nhìn thấy rõ rệt ở thủ đô Tbilisi, đặc biệt là trong thị trường bất động sản. Tuy nhiên, không hoàn toàn là tác động tích cực. Hãng tin Reuters cho biết giá thuê nhà ở Tbilisi đã tăng 75 % vào năm 2023. Những người thu nhập thấp và sinh viên là những nạn nhân đầu tiên. Ví dụ như trường hợp của cô Nana Shonia, 19 tuổi. Vài tuần trước khi chiến tranh Ukraina nổ ra, cô đã ký hợp đồng thuê một căn hộ tại trung tâm thủ đô, với giá khoảng 150 euro mỗi tháng. Tuy nhiên vào tháng Bảy vừa qua, cô đã bị chủ nhà yêu cầu ra khỏi căn hộ vì giá nhà tăng. Cô Helen Jose, một du học sinh Ấn Độ cũng gặp trường hợp tương tự, đã phải đến ở nhờ nhà bạn vì giá nhà của cô đã tăng gấp đôi trong mùa hè vừa qua. Trả lời hãng tin Reuters, cô cho biết: “Trước kia, tìm nhà rất dễ. Nhưng nay không chỉ tôi mà cả các bạn tôi cũng bị yêu cầu rời đi, bởi vì có những người Nga sẵn sàng trả nhiều hơn chúng tôi”.   Dù giá nhà có cao nhưng giới chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp không sẵn sàng đầu tư quá nhiều vào thị trường bất động sản, bởi vì giá nguyên vật liệu và thiết bị cao. Hiện các chủ nhà có thể thu được lợi tức thì vì giá thuê nhà tăng, nhưng lợi nhuận từ việc bán nhà lại không đáng kể. Theo các nhà kinh tế, sự bùng nổ này không kéo dài và khuyến khích chính phủ Gruzia sử dụng nguồn thu thuế lành mạnh để trả nợ và có phương án dự trữ ngoại tệ khi có thể.    Địa chính trị bất ổn Hơn nữa, cuộc xung đột xảy ra vào năm 2008 (tại Nam Ossetia và Abkhazia) giữa Nga và quốc gia từng thuộc Liên Xô cũ khiến một số người lo ngại rằng Gruzia có thể chịu tác động về xã hội cũng như chính trị trong thời gian tới. Nếu như vào tháng 9 năm ngoái, sau khi tổng thống Nga ban lệnh động viên một phần, dòng người ồ ạt từ Nga kéo vào Gruzia, thì ở phía bên kia các trạm kiểm soát biên giới, trên lãnh thổ Gruzia, các nhà hoạt động biểu tình phản đối tiếp nhận người Nga vì cho rằng rằng gián điệp Nga có thể nằm trong số họ.   Viện tư vấn Hudson, có trụ sở tại Washington, Hoa Kỳ, đã cảnh báo rằng “điện Kremlin có thể sử dụng sự hiện diện của những người Nga này như là cái cớ để can thiệp hoặc gây hấn hơn nữa”. Chuyên gia về chính sách kinh tế và xã hội tại viện Phát triển Tự do Thông tin Gruzia (IDFI), Mikheil Kukava nhận định với CNBC rằng, mặc dù phần lớn những người di cư từ Nga thuộc “thế hệ mới” và không phải là mối đe doạ, nhưng điện Kremlin có thể sử dụng đây như là “cái cớ để đến và bảo vệ họ. Vậy thì những tác động tích cực về kinh tế không đáng là bao”.   Về phần mình, chuyên gia kinh tế Lasha Kavtaradze lại cho rằng, tỷ lệ rủi ro là rất thấp đối với những di dân trình độ cao đến từ Nga. Hơn nữa, tuỳ vào tình hình địa chính trị toàn cầu thay đổi ra sao, đa số sẽ không ở lại Gruzia mà có thể đến Hoa Kỳ hày một nước khác, nhiều người cũng đã thay đổi quốc tịch.  
    3/7/2023
    9:31
  • Tái thiết đất nước, Ukraina thách thức cỗ máy chiến tranh của Nga
    Sau hơn 365 ngày chiến tranh, chưa biết khi nào hòa bình vãn hồi trên lãnh thổ Ukraina. Chưa thể thẩm định những thiệt hại vật chất về phía Ukraina sẽ lên đến bao nhiêu, không biết chính xác về nhu cầu tái thiết của quốc gia bị xâm chiếm này. Điều đó không cấm cản Kiev và các doanh nghiệp phương Tây, các định chế tài chính đa quốc gia, giới ngân hàng bắt đầu công cuộc tái thiết Ukraina. Ngày 15/02/2023, hội chợ Tái Thiết Ukraina - diễn ra tại khu triển lãm ở thủ đô Vacxava, Ba Lan. Đây là nhịp cầu giúp cách chính quyền thành phố ở Ukraina tìm kiếm đối tác trong giai đoạn xây dựng lại đất nước. Trong số các bên tham gia, có Andrii Feda, đại diện cho thành phố Mariupol. Theo lời quan chức này 90 % các khu chung cư, 60 % ngôi nhà bị tàn phá. Toàn bộ hệ thống giao thông bị hư hại. Mariupol cần tái lập lại hệ thống điện, nước và ga. Thiệt hại vật chất ước tính lên tới 14,5 tỷ đô la. Mariupol nhìn ra biển Azov vẫn đang bị quân đội Nga chiếm đóng, các công trình xây dựng chỉ có thể khởi động một khi Ukraina chiếm lại thành phố này. Điều đó không cấm cản ông Feda, tại hội chợ Tái Thiết Ukraina khẳng định Mariupol « rồi sẽ hồi sinh, như Vacxava và Dresden đã từng được tái thiết sau Thế Chiến Thứ Hai ». Kiểm kê tình hình tại chỗ  Ngành công nghiệp nặng, luyện kim và hóa chất bị thiệt hại nhiều nhất do phần lớn hoạt động tại miền đông, trong khu vực được mệnh danh là lá phổi công nghiệp của Ukraina. Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc UNDP đánh giá chiến tranh do Nga tiến hành « cướp đi 18 năm phát triển kinh tế » của Ukraina ; 90 % dân số nước này có nguy cơ bị đẩy vào cảnh nghèo khó. Kinh tế Ukraina không bị sụp đổ hoàn toàn trong năm 2022 nhờ viện trợ của quốc tế. Đại học kinh tế Kiev (Kiev School of Economics) thẩm định, cỗ máy chiến tranh của Matxcơva khiến 137 tỷ đô la tài sản của Ukraina - tương đương với 2/3 GDP, tan thành tro bụi ; 50 % các nhà máy điện trên toàn quốc bị hư hại. Ukraina cần 550 tỷ đô la tái thiết đất nước. Trước đó, vào tháng 9/2022 báo cáo của Ngân Hàng Thế Giới nói đến những « thiệt hại to lớn » và thẩm định rằng sau 100 ngày chiến tranh (tính đến cuối tháng 5/2022) tổn thất về phía Ukraina lên tới 97 tỷ đô la, thêm vào đó 250 tỷ thất thu do cố máy sản xuất và xuất nhập khẩu bị gián đoạn. Từ đó tới nay Nga tăng hỏa lực chủ yếu đánh vào cơ sở hạ tầng thiết yếu của đối phương. 20 % cơ sở y tế của Ukraina đã bị xóa sổ, gần 3.000 trường học bị tàn phá trong đó có trên 800 trường mẫu giáo. Từ tháng 9/2022 Nga chủ trương tấn công vào cơ sở hạ tầng dân dụng thiết yếu : 50 % các nhà máy điện trên toàn quốc bị hư hại. Trả lời đài RFI Pháp ngữ Alain Pilloux, phó thống đốc Ngân Hàng Tái Thiết và Phát Triển Châu Âu BERD cho rằng từ tháng 9 tới nay thiệt hại vật chất mà phía Ukraina hứng chịu đã tăng lên thêm, nhu cầu tái thiết qua đó tăng theo. Alain Pilloux : « Trong một nghiên cứu công bố năm ngoái, Ngân Hàng Thế Giới nói đến 350 tỷ đô la. Từ đó tới nay con số này đã bị đẩy lên cao. Cá nhân tôi ước tính là cộng đồng quốc tế sẽ phải huy động từ 400 đến 500 tỷ đô la giúp Ukraina xây dựng lại đất nước nhưng đó là công trình dài hơi. Nhưng đừng quên rằng Ukraina có những nhu cầu cấp bách phải giải quyết, thí dụ duy trì hệ thống điện lực để bảo đảm sản xuất và sưởi cho người dân. Chỉ riêng khâu này Kiev cần gấp 9  tỷ đô la trong năm nay ». Cũng ông Pilloux nhắc lại Ngân Hàng Tái Thiết và Phát Triển Châu Âu BERD đã giải ngân 1,7 tỷ euro cho Ukraina trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Chủ đích nhằm bảo đảm duy trì một số dịch vụ công cần thiết nhất cho người dân Ukraina, chẳng hạn như bảo đảm về điện, ga hay trong hoạt động ngành đường sắt xe lửa. Kế tới cũng cần hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân sống nhờ xuất khẩu, thí dụ như trong công nghiệp chế biến thực phẩm chẳng hạn.  Câu hỏi kế tiếp là ở thời điểm chiến tranh tiếp diễn và Nga đã đổi chiến lược chủ yếu nhắm vào các cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraina thì đâu là nhu cầu của quốc gia bị xâm lược này ? Alain Pilloux : « Thứ nhất là nhu cầu tài trợ cho thâm hụt ngân sách nhà nước, ước tính lên tới 40 tỷ đô la trong năm vừa qua. Gần như là quốc tế đã huy động được số tiền này, chủ yếu là nhờ nỗ lực của Liên Hiệp Châu Âu, của nhóm G7 với nguồn tài trợ lớn nhất là Mỹ. Kế tới là những nhu cầu khẩn cấp xây dựng lại các cơ sở hạ tầng thiết yếu bị hư hại sau các đợt oanh kích của Nga. Tôi muốn nói đến việc phục hồi các nhà máy điện, để bảo đảm cho khu vực sản xuất, cho các hệ thống sưởi của thành phố… BERD đã dành hẳn hơn 500 triệu euro hỗ trợ tập đoàn điện lực quốc gia Ukraina trong năm 2022. Ngoài ra Ukraina cần xây dựng lại cả hệ thống giao thông, tái thiết các khu nhà ở cho dân và những cơ sở hạ tầng để bảo đảm dịch vụ xã hội như trường học, bệnh viện… Trong tương lai xa hơn một chút Ukraina cần được hỗ trợ trong công tác dỡ mìn. Theo thẩm định của Ngân Hàng Thế Giới phí tổn cho riêng khoản này ước tính chừng 70 tỷ đô la. Chúng ta biết rằng hiện tại khoảng 35 % diện tích của Ukraina đang bị gài mìn ». Lãnh đạo Ngân Hàng BERD Alain Pilloux lưu ý, đương nhiên các chương trình viện trợ hay trợ giúp Ukraina tái thiết đòi hỏi chính quyền Kiev phải minh bạch và bảo đảm rằng viện trợ quốc tế không rơi vào túi một số ít các doanh nhân hay chính khách Ukraina :   Alain Pilloux : « Chương trình hỗ trợ Ukraina hiện nay của IMF, kế hoạch viện trợ của Liên Âu luôn coi việc bài trừ tham nhũng là một điều kiện. Ngân Hàng Tái Thiết và Pháp Triển Châu Âu cũng rất chú trọng đến vế này. Bài trừ tham nhũng là một điều kiện quan trọng quyết định về số tiền viện trợ cũng như là về tiến độ giải nhân các khoản viện trợ quốc tế cho Ukraina ». Viện trợ quốc tế : với 100 tỷ đô la, Âu - Mỹ trên tuyến đầu Trong 12 tháng chiến tranh, cộng đồng quốc tế đã tổ chức 4 hội nghị các nhà tài trợ cho Ukraina (Lugano, Vacxava, Berlin và Paris). Gần đây nhất tại Paris, hôm 13/12/2022 hơn 40 quốc gia và các tổ chức quốc tế đã cam kết tặng không 1 tỷ đô la giúp chính quyền Kiev « trải qua mùa đông này » nhất là vào lúc mà bên xâm lược là Nga từ tháng 9/2022 tập trung tấn công vào các nhà máy điện của Ukraina để làm tê liệt đối phương, đẩy cuộc sống của người dân Ukraina thêm khó khăn hòng gây chia rẽ công luận. Na Uy đầu tháng 2/2023 cam kết viện trợ cho Kiev gần 7 tỷ đô la trong 5 năm sắp tới, dưới hình thức viện trợ nhân đạo và quân sự. Liên Âu cam kết 52 tỷ euro cho Ukraina chủ yếu là « viện trợ tài chính » giúp kinh tế Ukraina duy trì hoạt động trong thời chiến. Một mình nước Mỹ cũng hứa giúp chính quyền Kiev một số tiền gần 50 tỷ đô la nhưng lại tập trung vào viện trợ quân sự. Lĩnh vực tư nhân Bên cạnh các khoản trợ giúp xuất phát từ các định chế đa quốc gia như Liên Hiệp Châu Âu, Ngân Hàng Tái Thiến và Phát Triển Châu Âu, Ngân Hàng Đầu Tư Châu Âu… thì còn có rất nhiều các đối tác tư nhân. Thông tín viên RFI Aabla Jounaidi đến thành phố Lyman vùng Donbass miền đông Ukraina và Irpin ngoại ô thủ đô Kiev. Tại Lyman, dù chưa im tiếng súng, người dân địa phương tìm mọi cách khắc phục hậu quả chiến tranh tùy theo khả năng. Còn tại Irpin, chính quyền có thể trông cậy vào hảo tâm của các đối tác nước ngoài : Bị quân đội Nga chiếm đóng trong bốn tháng và là nơi đã diễn ra nhiều trận đánh khốc liệt, thành phố Lyman-Donbass, miền Đông Ukraina vẫn mang nhiều vết thương chiến tranh. Hệ thống đường ống dẫn ga lộ thiên bị hư hại. Công nhân đang phải khắc phục hậu quả sau nhiều đợt oanh kích của quân Nga. Sergueii là một trong những số đó. Anh cố gắng sửa chữa để cung cấp ga 7 ngày trên 7 cho dân cư thành phố và biết rằng giao tranh vẫn đang diễn ra cách đấy không xa. Còn tại Irpin, ngoại ô thủ đô Kiev, người ta bắt đầu dỡ những đống gạch đổ nát từ những khu chung cư bị trúng bom. Ngay từ những ngày đầu chiến tranh, Irpin đã cản đường quân Nga tiến vào thủ đô. Nhờ vậy Irpin được  tổng thống Volodymyr Zelenski trao tặng danh hiệu « thành phố anh hùng ». Kiev đã cam kết giúp Irpin tái thiết. Thị trưởng thành phố vẫn mỏi mòn chờ đợi những khoản trợ giúp đó của chính phủ. Trái lại Irpin đã được các đối tác quốc tế nhiệt tình giúp đỡ. Thành phố Caiscais của Bồ Đào Nha kết nghĩa với Irpin đã huy động hơn nửa triệu euro cho công cuộc tái thiết. Một công ty của Áo hiện diện lâu năm tại Ukraina giúp thành phố này xây dựng lại một trường học. Một tập đoàn dầu hỏa tạo điều kiện cho 1.500 học sinh trở lại trường lớp. Litva giúp xây lại một nhà trẻ của thành phố và Irpin bắt tay ngay vào việc. Theo lời thị trưởng thành phố, cần có những kết quả cụ thể ngay lập tức để chứng minh với các nhà tài trợ về tính nghiêm túc của bên được giúp đỡ. Ông kỳ vọng Irpin là một thí điểm của các công trình tái thiết Ukraina. Tháng 6 năm ngoái nhiều lãnh đạo quốc tế đã đến thăm thành phố này để tỏ tình liên đới với Irpin và tới nay hơn 80 % dân cư đã trở về để làm lại tất cả từ đầu.       Tái thiết trước khi vãn hồi hòa bình, một hình thức kháng cự Ukraina là quốc gia hiếm thấy trên thế giới đã lao vào công cuộc tái thiết đất nước trong lúc báo động phòng không vẫn dồn dập từ ở thủ đô Kiev cho đến các vùng ở miền Nam, miền Đông…Khu vực biên giới phía bắc sát với Belarus thì được đặt trong tình trạng « báo động » thường trực trước nguy cơ chính quyền Minsk nhập cuộc, mở thêm một mặt trận ở phương Bắc tiếp sức cho quân đội Nga. Tại sao phương Tây và những đồng minh của Kiev đã tính đến giai đoạn hậu chiến tranh ? François Grunewald giám đốc cơ quan tư vấn chuyên về các chương trình tái thiến URD của Pháp ghi nhận thứ nhất, đối với người Ukraina họ bắt tay vào việc ngay khi có điều kiện, bởi xây dựng lại là điều sống còn : người dân cần nhà để ở, cần phục hồi hệ thống điện, ga và nước. Đương nhiên dân Ukraina biết rằng, Nga vẫn có thể lại dội bom, lại đưa chiến xa vào các thành phố vừa được xây dựng lại. Thứ hai, nhìn từ góc độ của người dân Ukraina xây dựng lại đất nước trước khi im tiếng súng hàm ý Ukraina sẽ không bao giờ đầu hàng. Hơn nữa đây còn là một vấn đề tâm lý như ông Grunewald giải thích trên đài truyền hình Arte bởi lao vào tái thiết đất nước giúp mọi người hy vọng sẽ lại được sống trong hòa bình, sẽ lại được trở về nhà để xây dựng lại cuộc sống.  Về phần Laurent Germain, tổng giám đốc Egis hiện diện lâu năm tại Ukraina trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ thì cho rằng, Âu, Mỹ đã cam kết viện trợ cho Ukraina hơn 100 tỷ đô la dưới hình thức viện trợ tài chính, quân sự, nhân đạo : đó là một tín hiệu mạnh về mặt địa chính trị và ngoại giao. Song, không thể phủ nhận qua các khoản viện trợ cho Ukraina ngay giữa các nước không khối Tây phương cũng đang lao vào một cuộc cạnh tranh để tranh giành ảnh hưởng với Kiev. Ảnh hưởng đó không chỉ giới hạn ở các hợp đồng, mà đấy còn là ảnh hưởng về chính trị của Bruxelles hay Washington với Kiev sau này.  Ai cũng biết con đường để Ukraina được kết nạp vào Liên Hiệp Châu Âu còn đầy chông gai. Điều đó không cấm cản Bruxelles công nhận quy chế ứng viên của Ukraina. Christine Dugoin Clément, trường thương mại IAE trực thuộc đại học Sorbonne Paris trên đài truyền hình Arte ghi nhận : mỗi quốc gia luôn nghĩ đến lợi ích của riêng mình, của các doanh nghiệp trong nước khi đứng ra cam kết tài trợ một chương trình tái thiết. Điều này lại càng đúng hơn nữa khi mà chương trình tái thiết đó lên tới hàng trăm tỷ đô la.
    2/28/2023
    9:20

Andere hörten auch

Über TẠP CHÍ KINH TẾ

Sender-Website

Hören Sie TẠP CHÍ KINH TẾ, Hitradio Ö3 und viele andere Radiosender aus aller Welt mit der radio.at-App

TẠP CHÍ KINH TẾ

TẠP CHÍ KINH TẾ

Jetzt kostenlos herunterladen und einfach Radio & Podcasts hören.

Google Play StoreApp Store

TẠP CHÍ KINH TẾ: Zugehörige Sender