Vòng loại EURO 2024 khởi tranh với những màn so tài đỉnh cao
Vòng loại giải vô địch bóng đá châu Âu EURO 2024 bắt đầu khởi tranh từ ngày 23/03 và kết thúc vào ngày 22/11/2023. Ngay từ đầu đã có những những trận so tài đỉnh cao và những màn đối đầu đầy duyên nợ.
53 đội bóng của UEFA sẽ được chia vào 10 bảng, thi đấu vòng tròn hai lượt đi và về để chọn ra 23 đội bóng cùng với nước chủ nhà Đức, đương nhiên có suất tham dự chính thức, bước vào vòng chung kết sẽ diễn ra từ ngày 14/06 - 14/07/2024.
Sau giải EURO 2020 được tổ chức trên 11 quốc gia, EURO 2024 trở lại khuôn khổ tổ chức ở 1 quốc gia, lần này là trên 10 địa điểm của nước Đức. Đây là lần thứ 3, Đức là chủ nhà của Vòng chung kết EURO, sau hai kỳ 1974 và 1988.
Các thể thức chia bảng đấu và thi đấu và tâm điểm cạnh tranh của giải đấu như thế nào ? Chuyên gia Trần van Mui tham gia chương trình hôm nay, trước hết cho biết về quy cách tổ chức trong khuôn khổ vòng loại EURO 2024 :
3/26/2023
9:30
Thể thao Việt Nam hội nhập thế nào trong các định chế Olympic quốc tế?
Chương trình Thể thao hàng tuần RFI Tiếng Việt tiếp tục cùng với chuyên gia Trần Văn Mui tìm hiểu về Ủy ban Olympic Quốc gia Việt Nam trong tiến trình hội nhập với phong trào Olympic quốc tế.
Cơ chế quản lý và phát triển thể dục thể thao ở Việt nam có một đặc thù, chủ yếu là quản lý Nhà nước. Cơ quan chuyên trách quản lý toàn bộ các hoạt động thể thao là Tổng cục Thể dục Thể thao, trực thuộc bộ Văn Hóa Thể Thao và Du Lịch. Đây là cơ quan chức năng duy nhất có nhiệm vụ phát triển thể dục thể thao theo các định hướng hay chương trình chiến lược quốc gia.
Trong khi đó, Ủy Ban Olympic Quốc Gia, được xác định vai trò là một tổ chức xã hội, đại diện cho thể thao Việt Nam trong phong trào Olympic thế giới với nhiệm vụ chính là tham mưu xây dựng phát triển phong trào thể dục thể thao trong nước, mở rộng quan hệ quốc tế, giúp đỡ các liên đoàn thể thao, phối hợp với bộ chủ quản đề xuất với các cơ quan quản lý Nhà nước...
Vì thế, Ủy Ban Olympic Quốc Gia của Việt Nam chỉ giữ một vai trò thứ yếu, nặng về đối ngoại. Lãnh đạo của tổ chức này luôn là một quan chức chính trị của cơ quan quản lý Nhà nước về thể thao. Trong khi đó, Ủy Ban Olympic Quốc gia là một trong ba bộ phận cấu thành của phong trào Olympic quốc tế cùng với Ủy Ban Olympic Quốc Tế IOC, Liên Đoàn Thế giới các môn thể thao (IF).
Ở hầu hết các nước thành viên của Ủy Ban Olympic Quốc Tế, Ủy Ban Olympic Quốc Gia giữ vai trò chủ chốt trong việc phát triển thúc đẩy và bảo vệ phong trào Olympic trong đất nước của mình, phù hợp với Hiến chương Olympic. Chức năng, quyền hạn của các ủy ban này về mặt thể thao tương đối độc lập với chính phủ. Chẳng hạn như Olympic Matxcơva 1980 khi đó bị chính phủ các nước phương Tây kêu gọi tẩy chay, nhưng nhiều Ủy ban Olympic Quốc Gia đã không theo với lý do bảo vệ quyền lợi được thi đấu của các vận động viên.
Ủy ban Olympic Quốc Gia Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của của CIO từ năm 1980. Hơn 40 năm qua, Việt nam đã tham dự thế nào vào hoạt động của phong trào Olympic với định chế quản lý thể thao cao nhất thế giới ?
Chuyên gia Trần Văn Mui cho biết cơ cấu vận hành của CIO và sự tham gia của Việt Nam :
3/19/2023
9:37
Thể thao Việt Nam : Chặng đường tiếp cận phong trào Olympic Quốc tế
Là một quốc gia nhỏ nhưng đông dân ( gần 100 triệu dân), Việt Nam được đánh giá là nước có nhiều tiềm năng phát triển thể thao. Thực tế những năm gần đây, thể thao Việt Nam đang dần dần từng bước hội nhập tích cực hơn với thể thao quốc tế. Sau nhiều thập kỷ hội nhập với bên ngoài, thể thao Việt Nam đang ở vị trí nào trên bản đồ Olympic quốc tế?
Vì những đặc thù lịch sử, chính trị đất nước bị chiến tranh chia cắt thành hai miền, thể thao Việt Nam đến với phong trào Olympic Quốc tế và tham dự các đại hội thể thao quốc tế cũng khá chậm và không được đều đặn. Sự hội nhập thực sự chỉ có thể bắt đầu từ khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Ủy Ban Olympic Quốc Tế năm 1979, trên tư cách một quốc gia thống nhất.
Từ đó đến nay, trừ kỳ thế vận hội mùa hè 1984 ở Los Angeles không tham dự vì lý do chính trị, thể thao Việt Nam đã có mặt thường xuyên hơn ở các đấu trường quốc tế, cách thức tham dự cũng dần chuẩn hóa không phải theo vé mời danh dự hay đặc cách mà đã bằng các suất vé chính thức theo tiêu chuẩn quốc tế.
Việt Nam có tới hơn 3 chục triệu người luyện tập thể thao thường xuyên, tức chiếm tỷ trọng trên 30% dân số, một con số không phải là thấp so với chỉ tiêu “Thể thao cho mọi người” mà Ủy Ban Olympic Quốc Tế ( IOC) đã đặt ra . Tuy nhiên, con số này không nói lên được rằng Việt Nam là quốc gia thể thao phát triển cao.
Hoạt động thể thao của Việt Nam trong một thời gian dài vẫn mang tính phong trào, thiếu chuyên nghiệp. Từ đầu thập niên 2000, thể thao Việt Nam đang có sự chuyển mình.
Chuyên gia Trần văn Mui, nguyên là thành viên của Ủy ban Olympic Quốc gia Việt Nam, sẽ giúp chúng ta tìm hiểu thêm về những bước đi hội nhập với quốc tế của thể thao Việt Nam.
3/12/2023
9:30
Mục tiêu dự World Cup 2026 cho Việt Nam liệu có quá lạc quan ?
Đầy lạc quan, bóng đá Việt Nam đã chính thức đón nhà cầm quân mới người Pháp Philippe Troussier từ hôm 27/02/2023 với bản hợp đồng ba năm rưỡi. Ngoài mục tiếp tục phát huy những thành tích ấn tượng mà ông thầy người Hàn Quốc Park Hang-seo để lại, ông Troussier tỏ lạc quan về mục tiêu giành vé đi dự World Cup 2026.
Huấn luyện viên Philippe Troussier ký hợp đồng với Liên Đoàn Bóng Đá Việt Nam từ ngày 01/03/2023 đến ngày 01/07/2026 với nhiệm vụ dẫn dắt cả đội U23 và đội tuyển quốc gia. Mục tiêu trước mắt của nhà cầm quân người Pháp là bảo vệ huy chương vàng bóng đá nam tại SEA Games 32 vào tháng 5 sắp tới tại Cam Bốt và đoạt cúp vô địch Đông Nam Á, AFF Cup 2024, cũng như tham gia vòng loại Olympic Paris 2024. Nhưng có lẽ VFF kỳ vọng nhất là ông thầy người Pháp sẽ đưa bóng đá đạt kỳ tích giành tấm vé đi dự vòng chung kết World Cup 2026, khi giải đấu đã được FIFA tăng số lượng tham dự lên 48 đội.
Đánh giá cao di sản mà người tiền nhiệm Park Hang-seo để lại, ông Philippe Troussier tỏ lạc quan trước mục tiêu “sau cùng” của ông với bóng đá Việt Nam. Tại cuộc họp báo ra mắt, ông thầy người Pháp đã nói: “World Cup 2026 mở rộng lên 48 đội là cơ hội cho Việt Nam. Đây là mục tiêu sau cùng mà tất cả chúng ta hướng tới. Dĩ nhiên, đó là mục tiêu đầy tham vọng, nhưng không phải là ngoài tầm với. Nhưng tôi không thể làm một mình, mà chỉ là người dẫn đường, trên hành trình không bằng phẳng với nhiều trở ngại sắp tới. Đây là mục tiêu cho toàn ban huấn luyện, cầu thủ và cả những người hâm mộ. Tôi tin nếu chúng ta đồng lòng và nỗ lực tối đa, bóng đá Việt Nam sẽ làm được" (báo Việt Nam trích dẫn).
Liệu tân huấn luyện viên Phippe Troussier có giúp bóng đá Việt Nam đạt được kỳ tích có mặt ở World Cup 2026, như ông đã làm thành công ở nhiều nền bóng đá đang phát triển khác? Mục tiêu này có quá sớm khi mà tầm châu lục của đội tuyển vẫn còn ngoài tầm với?
Chương trình hôm nay, chúng ta gặp lại chuyên gia bóng đá Trần Văn Mui, để phân tích thêm về mục tiêu lớn mà ông thầy người Pháp đặt ra khi nhận dẫn dắt bóng đá Việt Nam.
3/5/2023
8:39
SEA GAMES : 64 năm phát triển vẫn chưa bỏ được « lệ làng »
SEA Games 32 sẽ diễn ra từ ngày 05 đến 17/05/ 2023 tại Phnom Penh, Cam Bốt, đây là lần đầu tiên đất nước Chùa tháp được đón Đại hội thể thao các nước Đông Nam Á, sau 64 năm kể từ năm 1959 sự kiện ra đời. Sự kiện thể thao quan trọng của khu vực, được người hâm mộ quan tâm, nhưng SEA Games vẫn chưa thoát được tiếng là « hội làng ».
Ban đầu chỉ có 6 quốc gia tham dự, được tổ chức đều đặn 2 năm một lần, SEA Games giờ đã trở thành một cuộc thi đấu thể thao chính thức trong hệ thống Olympic được 11 thành viên trong Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tham gia với sự quan tâm ngày càng lớn. Tuy nhiên, trình độ thể thao ở SEA Games vẫn ở mức chậm tiến bởi các quy định tổ chức thi đấu vẫn nặng tính hình thức, địa phương chủ nghĩa.
Trong khi SEA Games đang ngày càng trở thành một sự kiện thể thao quan trọng được các nước trong khu vực quan tâm đầu tư. Tại SEA Games 32 tới đây, Cam Bốt dự kiến đề xuất 38 môn thế thao thi đấu với 608 bộ huy chương được trao. Đây là một con số kỷ lục vượt qua con số 530 bộ huy chương ở SEA Games 30 tổ chức tại Philippines. Thế nhưng nước chủ nhà đã lựa chọn thay đổi môn thi đấu để có lợi cho mình làm ảnh hưởng đến chất lượng chuyên môn của đại hội.
Để hiểu thêm về lịch sử hình thành và phát triển của Đại hội thể thao lớn nhất khu vực Đông Nam Á, tham gia chương trình với chúng ta hôm nay, chuyên gia Trần Văn Mui cho biết :