Partner im RedaktionsNetzwerk Deutschland

TẠP CHÍ TIÊU ĐIỂM

Podcast TẠP CHÍ TIÊU ĐIỂM
Podcast TẠP CHÍ TIÊU ĐIỂM

TẠP CHÍ TIÊU ĐIỂM

hinzufügen

Verfügbare Folgen

5 von 24
  • Quan hệ Teheran - Riyad: Trung Quốc bước đầu khẳng định tham vọng cường quốc hàng đầu
    Ngày 10/03/2023, Iran và Ả Rập Xê Út đã ký kết một thỏa thuận nối lại bang giao tại Bắc Kinh. Chiến thắng đầy biểu tượng này cho thấy Trung Quốc đang khẳng định vai trò cường quốc hàng đầu thế giới, trong khi ảnh hưởng của Hoa Kỳ đang bị suy giảm tại Trung Đông. Bối cảnh địa chính trị Từ ngày nước Cộng hòa Hồi giáo Iran ra đời năm 1979, quan hệ Teheran – Riyad chưa có lúc nào êm thắm do cuộc tranh giành ảnh hưởng, giành quyền lãnh đạo thế giới Hồi giáo giữa hệ phái Shia (chiếm đa số ở Iran) và hệ phái Sunni (Ả Rập Xê Út). Chuyên gia Heloise Fayet, Trung tâm Nghiên cứu về An ninh, Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI), trên làn sóng RFI, lưu ý : « Iran và Ả Rập Xê Út là hai cường quốc lớn nhất tại Trung Đông. Hai nước này thường có những lợi ích khác nhau, có thể được xem như là một cuộc cạnh tranh để thống trị Trung Đông trên bình diện tôn giáo, quân sự và chính trị. » Năm 2016, Riyad và Teheran cắt đứt bang giao sau vụ Ả Rập Xê Út hành quyết một lãnh đạo Hồi giáo hệ phái Shia Nimr Al Nimr, bị cáo buộc đòi ly khai, dẫn đến cuộc tấn công phá hoại tòa đại sứ Ả Rập Xê Út ở Teheran. Trước đó, quan hệ giữa hai nước cũng đã căng thẳng vì cuộc nội chiến ở Yemen. Từ năm 2015, Riyad đứng đầu một liên quân quốc tế chống lại phe nổi dậy người Huthi, được Teheran hậu thuẫn. Tuy nhiên, ngay từ tháng 4/2019, nhiều vòng đàm phán giữa Ả Rập Xê Út và Iran đã được tiến hành, thông qua trung gian là Irak và Oman, nhằm tìm cách chấm dứt cuộc xung đột nhưng không cho kết quả. Vương quốc Ả Rập thường xuyên là mục tiêu bị tấn công bằng drone và tên lửa từ phe Huthi, khiến việc sản xuất dầu lửa từng bị đình trệ một phần vào năm 2019. Theo nhiều nhà quan sát, thái độ thờ ơ không can thiệp của Hoa Kỳ thời Donald Trump vào lúc đó đã gây hụt hẫng. Riyad cho rằng Washington không còn là đồng minh đáng tin cậy. Trong nỗi lo lắng ngày một lớn về chương trình hạt nhân của Iran, việc bảo đảm an ninh cho Ả Rập Xê Út giờ là mục tiêu hàng đầu, vào lúc vương quốc này đang trong quá trình chuyển giao quyền lực sang một thế hệ mới. Nhà phân tích Hasni Abidi, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Thế giới Ả Rập và Địa Trung Hải, trên đài RFI giải thích : « Ả Rập Xê Út buộc phải tiến hành nhiều cải cách quan trọng và hoàng thái tử Mohammed Ben Salman đang chuẩn bị lên cầm quyền. Vì vậy, ông ấy cần một môi trường khu vực an toàn. Ông ấy cần một bảo đảm an ninh cho Ả Rập Xê Út, bảo đảm an toàn cho các cơ sở khai thác dầu, và sự bảo đảm an ninh này, cũng như bảo đảm an ninh cho chiếc ngai vàng, đều phải thông qua một mối quan hệ khác, một mối quan hệ hòa dịu với Iran. » Trung Quốc : Một tác nhân chính trị mới ở Trung Đông Đây thực sự là một thắng lợi ngoại giao đầy tính biểu tượng cho Trung Quốc, một « cái tát trời giáng » cho Hoa Kỳ, bởi một lẽ đơn giản : Bắc Kinh đã thành công hóa giải mối quan hệ căng thẳng giữa Iran – Ả Rập Xê Út, một bên là kẻ thù truyền kiếp, còn bên kia là đồng minh truyền thống của Mỹ tại Trung Đông. Với sự kiện này, Bắc Kinh khẳng định vai trò « tác nhân chính trị mới » ở khu vực. Trung Quốc giờ không chỉ là một khách hàng quen thuộc đối với các xứ dầu hỏa vùng Vịnh, mà còn là một đối tác chiến lược đáng tin cậy. Sự việc cũng đánh dấu một « cấp độ tham vọng mới » của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, vốn luôn tìm cách đánh bóng cho mình hình ảnh nguyên thủ quốc gia hàng đầu thế giới trong bối cảnh cuộc đối đầu với Mỹ ngày càng gay gắt. Ông Tập cho rằng, tầm ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực đang bị suy giảm, và đây là lúc nên quảng bá vai trò lãnh đạo của Bắc Kinh như là một giải pháp thay thế khác cho một trật tự do Washington lãnh đạo. Rõ ràng, « đây là một trận chiến cho câu chuyện về tương lai của trật tự quốc tế. Trung Quốc khẳng định rằng thế giới đang bên bờ hỗn loạn bởi vì Hoa Kỳ đã thất bại trong vai trò lãnh đạo », theo đánh giá của nhà nghiên cứu Tôn Vân, giám đốc chương trình về Trung Quốc tại Stimson Center, trụ sở ở Washington, được trang mạng La Presse của Canada trích dẫn. Nhưng cuộc chiến dài hơi này Bắc Kinh đã đầu tư từ nhiều năm qua. Báo Pháp Le Monde nhắc lại, tháng Giêng năm 2016, Tập Cận Bình đã có chuyến thăm chính thức tại Ai Cập, Ả Rập Xê Út và Iran. Ông đã ký kết nhiều thỏa thuận mới và để các nước này gia nhập vào dự án quốc tế « Những con đường tơ lụa mới ». Ả Rập Xê Út trở thành « đối tác chiến lược toàn diện » của Trung Quốc, một cấp độ quan hệ đối tác cho đến lúc đó Trung Quốc chỉ dành cho Iran và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất. Chuyên gia về Trung Quốc, Emmanuel Lincot, giáo sư Viện Công giáo tại Paris, trả lời phỏng vấn cho RFI năm 2022 từng lưu ý rằng, « Trung Quốc hiện diện từ lâu trong khu vực, chí ít là ngay từ khi Chiến Tranh Lạnh chính thức kết thúc, trong những năm 1990. Mối quan hệ kinh tế không ngừng phát triển, và không chỉ trong lĩnh vực dầu hỏa, mà còn có các dự án hợp tác trong lĩnh vực kỹ thuật số, thậm chí trong phát triển hạt nhân dân sự hay hợp tác quân sự. Đây là một cách để hình thành một dạng trục Á-Âu, sao cho phương Tây ngày càng bị gạt sang bên lề của ván cờ này. » Trung Quốc : Phát ngôn viên cho các nước Nam bán cầu Trong nước cờ này, chính sách « không can thiệp » của Trung Quốc là một công cụ hữu hiệu, với lập luận : Các quốc gia không nên can thiệp vào chuyện nội bộ của những nước khác, bằng cách chỉ trích vi phạm nhân quyền chẳng hạn. Khác với Mỹ, Trung Quốc duy trì mối quan hệ hữu hảo cả với Ả Rập Xê Út lẫn Iran (thậm chí với Israel). Một mặt, Bắc Kinh là đối tác thương mại hàng đầu của Riyad, và Ả Rập Xê Út là một trong số các nhà cung cấp dầu lửa chính yếu cho Trung Quốc. Không như Washington, chính quyền Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng hợp tác thương mại vô điều kiện. Bắc Kinh chấp nhận giải thích của Riyad về vụ ám sát nhà báo đối lập Jamal Khashoggi năm 2018, và đổi lại, Ả Rập Xê Út không lên án Trung Quốc giam giữ đông đảo người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Nhưng Trung Quốc tiếp tục duy trì quan hệ ngoại giao với Iran có từ năm 1971, hơn hai thập niên trước khi lập bang giao với Ả Rập Xê Út. Theo các nhà phân tích được La Presse trích dẫn, ông Tập Cận Bình xem Iran như một con chốt chiến lược chính yếu trong cuộc đọ sức với phương Tây. Quốc gia Hồi Giáo này giầu nguồn tài nguyên khoáng sản, nằm ở một vị trí địa lý chiến lược, có một quân đội thiện nghệ và một nền văn minh lâu đời giống như Trung Quốc. Do vậy, tháng 3/2021, Trung Quốc ký với Iran « Thỏa thuận hợp tác chiến lược » cho 25 năm. Tháng 12/2022, Tập Cận Bình được hoàng thái tử Ả Rập Xê Út trịnh trọng trải thảm đỏ nghinh tiếp, trái ngược với sự tiếp đón lạnh lẽo mà Mohammed Ben Salman dành cho tổng thống Mỹ Joe Biden trung tuần tháng 7/2022. Ngược lại, để tránh gây thất vọng cho đối tác Iran, Bắc Kinh long trọng đón tổng thống Iran Ebrahim Raissi bằng hơn 20 phát đại bác hồi trung tuần tháng 2/2023, một điều mà không một nước phương Tây nào cho đến giờ dành cho Iran. Trita Parsi, một chuyên gia tại Quincy Institute for Responsible Statecraft, một trung tâm nghiên cứu của Mỹ, nhận định, thái độ trung lập của Trung Quốc trong xung khắc Iran - Ả Rập Xê Út là một trong số các lý do chính cho phép Trung Quốc chuẩn bị thành công cuộc đàm phán giữa hai cường quốc Trung Đông này. Trên kênh truyền hình Democracy Now, nhà nghiên cứu Mỹ giải thích : « Không giống như Hoa Kỳ, Trung Quốc giữ một vai trò trung lập trong các cuộc căng thẳng giữa hai nước. Trung Quốc cố hết sức để không bị vướng vào những xung đột giữa các cường quốc khác nhau trong khu vực, và kết quả là Trung Quốc đã có được một vị thế để nắm giữ vai trò trung gian này. Cũng cần lưu ý rằng Trung Quốc có được ảnh hưởng ngoại giao này mà không cần có một căn cứ quân sự nào trong khu vực, không phải là nhà cung cấp vũ khí chính cho bất kỳ nước nào và cũng không cung cấp một đảm bảo an ninh cho quốc gia nào trong số này, vốn dĩ thường là mô hình hòa giải của Mỹ, một mô hình mà chúng ta đang thấy ngày càng ít đi. Nếu như điều này có nghĩa là Trung Quốc sẽ đóng một vai trò lớn hơn ngoài hồ sơ Iran - Ả Rập Xê Út, thì đây chắc chắn sẽ là một bước tiến rất, rất quan trọng. Và có những dấu hiệu cho thấy đó là tham vọng của Trung Quốc. Đó không chỉ là một thỏa thuận bình thường hóa. Trung Quốc muốn tổ chức một hội nghị thượng đỉnh giữa Iran và các nước Hội nghị Hợp tác vùng Vịnh (GCC), tức các quốc gia Ả Rập ở Vịnh Ba Tư, tại Bắc Kinh vào cuối năm nay. Đây có thể là những bước đầu tiên hướng tới một kiến ​​trúc an ninh cơ bản, khác biệt trong khu vực. » Và tham vọng trung gian hòa giải xung đột thế giới… Tham vọng cường quốc thế giới « có trách nhiệm » của Trung Quốc gần đây còn được Bắc Kinh thể hiện qua đề xuất 12 điểm để giải quyết xung đột Ukraina hôm 24/02/2023. Nếu như lập trường này của Bắc Kinh không chắc nhận được sự ủng hộ từ Matxcơva, thì chí ít cũng cho thấy Trung Quốc ủng hộ hòa bình. Nhà nghiên cứu Triệu Long (Zhao Long), phó giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế ở Thượng Hải, phân tích, ở đây « có một sự khác biệt quan trọng giữa Nga và Trung Quốc : Nga thì muốn phá hủy hệ thống quốc tế hiện nay để xây dựng một trật tự mới, trong khi Trung Quốc muốn biến đổi hệ thống hiện nay bằng cách nắm giữ một vị trí quan trọng hơn trong hệ thống. » Theo Le Monde, thỏa thuận này sẽ cho phép Bắc Kinh chứng tỏ rằng Sáng kiến vì An ninh Toàn cầu (GSI) công bố hồi trung tuần tháng 2/2023 là có hiệu quả, có thể « diệt trừ tận gốc rễ nguồn cội các xung đột quốc tế và cải thiện việc quản lý an ninh toàn cầu ». Trong tầm nhìn này, Bắc Kinh âm thầm khánh thành Tổ chức Hòa giải Quốc tế ở Hồng Kông, cũng trong trung tuần tháng Hai. Giờ đây, trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraina kéo dài, liệu Trung Quốc có sẽ đảm nhiệm vai trò trung gian hòa giải hay không ? Mọi cặp mắt đang đổ dồn vào chuyến công du Matxcơva trong tuần tới của ông Tập Cận Bình. Nhưng có một điều chắn chắn, đó là thỏa thuận hòa giải Iran - Ả Rập Xê Út ngày 10/03 chẳng khác gì một món quà nhân đôi cho Tập Cận Bình, bởi vì đó cũng là ngày Quốc Hội Trung Quốc chính thức trao cho Tập Cận Bình nhiệm kỳ thứ ba trong cương vị chủ tịch nước và chủ tịch Quân ủy Trung ương.
    3/16/2023
    11:13
  • Kế hoạch hòa bình cho Ukraina : Thực tế và những ý đồ của Trung Quốc
    Ngày 24/02/2023, đúng vào ngày đánh dấu một năm Nga mở « chiến dịch quân sự đặc biệt » xâm lăng Ukraina, Trung Quốc công bố kế hoạch nhằm chấm dứt cuộc xung đột. Đối với nhiều nhà phân tích tại Pháp, tài liệu gồm 12 điểm này của Bắc Kinh không mang lại một giải pháp nào cụ thể để thoát khỏi cuộc chiến, mà đúng hơn là minh họa cho các tham vọng của Bắc Kinh. Những nét chính của kế hoạch 12 điểm Phần lớn các nhà phân tích tại Pháp có chung một nhận xét : Đề xuất này của Trung Quốc không là một « kế hoạch hòa bình » như nhiều nhà lãnh đạo châu Âu mong đợi, mà là một văn bản, liệt kê lập trường của Bắc Kinh đã được đưa ra từ đầu cuộc chiến. Điều này đã được thể hiện rõ ngay trên tiêu đề của văn bản : « Lập trường của Trung Quốc về giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraina ». Bắc Kinh nhắc lại việc tôn trọng « chủ quyền lãnh thổ, nền độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ của mọi quốc gia », đồng thời kêu gọi các bên can dự hậu thuẫn Nga và Ukraina mở lại đối thoại trực tiếp. Trung Quốc phản đối việc sử dụng vũ khí hạt nhân và hóa học, kêu gọi Nga và Ukraina « tôn trọng nghiêm ngặt luật nhân đạo của quốc tế, tránh tấn công thường dân hay các tòa nhà dân sự ». Trong số 12 điểm, Bắc Kinh ngầm chỉ trích NATO khi nói đến chấm dứt lối suy nghĩ kiểu « chiến tranh lạnh ». Cuối cùng, Trung Quốc cho rằng để có thể tiến đến hòa bình, phương Tây, Nga và Ukraina phải tìm cách « duy trì sự ổn định các chuỗi dây chuyền công nghiệp và cung ứng », nhưng « phản đối việc sử dụng kinh tế thế giới như là một công cụ hay vũ khí nhằm mục đích chính trị ». Một lời tố cáo các biện trừng phạt nhắm vào Nga mà các đồng minh của Kiev hiện tìm cách siết chặt hơn nữa. Trung Quốc « vờ » trung lập Điểm đầu tiên thu hút sự chú ý của một số nhà quan sát ở Pháp chính là lời kêu gọi tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Tatiana Kastouéva-Jean, giám đốc Trung tâm Nga, Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI, đánh giá đây là điểm mâu thuẫn chính trong các đề xuất của Bắc Kinh. « Rõ ràng trong thế lưỡng nan giữa toàn vẹn lãnh thổ và quyền tự quyết của một dân tộc, thì đối với Trung Quốc sự toàn vẹn lãnh thổ có một tầm quan trọng. Trung Quốc đang nghĩ đến chính vấn đề của họ tại Đài Loan. Nếu chúng ta đi theo lô-gic này, thì điểm mâu thuẫn ở đây chính là trong bản đề xuất, điều đầu tiên Bắc Kinh lẽ ra phải làm là yêu cầu Nga triệt thoái quân khỏi lãnh thổ Ukraina. Thế nhưng, Trung Quốc không hề nhắc đến. Đây thật sự là sự mâu thuẫn chính yếu của Trung Quốc. » (France Culture 26/02/2023) Điều đáng chú ý khác là văn bản này của Bắc Kinh được đưa ra một ngày sau khi vắng mặt trong cuộc bỏ phiếu về nghị quyết của Liên Hiệp Quốc kêu gọi Nga triệt thoái quân khỏi Ukraina. Hơn nữa, Bắc Kinh vẫn kiên định lập trường, chỉ nói đến « khủng hoảng Ukraina », mà không dùng từ « chiến tranh », cũng như nêu lên vai trò, trách nhiệm của Nga. Jean de Gliniasty, cựu đại sứ Pháp ở Matxcơva, giám đốc nghiên cứu Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (IRIS), nhận định bản kế hoạch 12 điểm này của Trung Quốc, trước hết là có lợi cho Nga, bởi vì « văn bản dự trù ngưng các hoạt động thù nghịch (điều đó có nghĩa là ngưng giao tranh tại những đường chiến tuyến hiện tại và duy trì quân Nga trên khoảng 1/5 lãnh thổ Ukraina trước khi bắt đầu đàm phán) cũng như là dỡ bỏ các lệnh cấm vận nhắm vào Nga ». (Le Figaro ngày 01/03/2023) Quan điểm này cũng được Marc Julienne, nhà nghiên cứu về các hoạt động của Trung Quốc, Trung tâm châu Á, Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI), đồng chia sẻ trên đài truyền hình ARTE: « Về mặt chính thức, Trung Quốc duy trì thế trung lập trong cuộc chiến tại Ukraina kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu vào tháng 02/2022. Nhưng tính trung lập này rõ ràng chỉ là bề ngoài, bởi vì trên thực tế, Trung Quốc ngầm hậu thuẫn Nga và chế độ Vladimir Putin về mặt chính trị. » Chống các giá trị phương Tây : Nền tảng cho mối hợp tác Nga - Trung Thế giới cũng chưa quên ngày 04/02/2022, Bắc Kinh tuyên bố « tình hữu nghị không gì lay chuyển » với Matxcơva. Nếu như trong bản kế hoạch 12 điểm, Trung Quốc không còn nhắc đến « tình bằng hữu vô bờ bến », thì nhà Trung Quốc học Marie Holzman cũng không quên nhắc lại rằng nền tảng cơ bản cho mối liên kết Nga – Trung chính là ý muốn hình thành một mặt trận chung chống phương Tây. Trả lời kênh truyền hình Public Senat, bà giải thích : « Trung Quốc tự trao cho mình vai trò bảo vệ các nước đang phát triển trước "chủ nghĩa đế quốc và các giá trị của phương Tây". Đây là một điểm rất rõ ràng từ khi ông Tập Cận Bình lên cầm quyền. Tại Trung Quốc, nói về chủ nghĩa hợp hiến, các giá trị phổ quát, nhà nước pháp quyền hay nhân quyền, tất cả những gì làm nên rường cột cho các giá trị phương Tây, đều bị cấm. Đây còn là phương cách để Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng, nhắn nhủ các nước bị khối phương Tây bỏ mặc rằng "có một mô hình phát triển khác với mô hình do châu Âu và Mỹ đề xướng." Ông Putin, dù có phần nào thô thiển hơn Tập Cận Bình trong các phát biểu, cũng đi theo đúng kiểu lô-gic này ». Chính thái độ mập mờ này của Trung Quốc trong một năm qua đã khiến giới quan sát và các lãnh đạo phương Tây không mấy tin tưởng vào vai trò trung gian hòa giải của Bắc Kinh. Nỗi hoài nghi càng gia tăng khi gần đây Hoa Kỳ khẳng định có bằng chứng là Trung Quốc có ý định cung cấp vũ khí sát thương cho Nga. Trang mạng Question Chine.net trích dẫn tiết lộ của báo Đức Der Spiegel ngày 23/02 cho biết « Bingo Intelligent Aviation Technology », một doanh nghiệp ở Tây An, dường như đang thương lượng với Nga để bán 100 chiếc drone « ZT-180 » có khả năng mang từ 35-50 kg vũ khí quân sự. Đây cũng có thể được xem như là một hình thức chuyển giao công nghệ « trá hình » của Trung Quốc cho Nga, theo như cáo buộc của trang thông tin Le Devoir tại Quebec, Canada (24/02/2023). Về điểm này, nhà Trung Quốc học Marie Holzman khẳng định Trung Quốc cũng giống như bao nước khác, sẽ tiếp tục bán vũ khí cho Nga, nhưng sẽ ít có khả năng Bắc Kinh gia tăng hậu thuẫn quân sự bằng cách cung cấp chiến đấu cơ hay xe tăng. Trung Quốc bám chặt học thuyết « không can thiệp » trong các xung đột ở nước ngoài. Trung Quốc : Tham vọng mô hình thế giới hậu phương Tây Cho dù hành động của Nga khiến Trung Quốc khó xử, Bắc Kinh một mặt không muốn đánh mất mối quan hệ với Matxcơva, nhưng mặt khác cũng không muốn gây tổn hại các mối quan hệ thương mại với Mỹ và châu Âu. Trao đổi mậu dịch của Trung Quốc với Mỹ và Châu Âu lần lượt ở mức 800 tỷ và 600 tỷ đô la, cao gấp 4 và 3 lần so với Nga, chỉ ở mức 200 tỷ đô la. Bắc Kinh ý thức được rằng, một sự hậu thuẫn đi quá xa có nguy cơ lãnh đòn trừng phạt của Mỹ và châu Âu sẽ buộc phải đi theo. Một quan điểm cũng được nhà nghiên cứu Marc Julienne thuộc IFRI đồng chia sẻ : « Vào lúc Trung Quốc chuyển giao vũ khí sát thương, như lời ngoại trưởng Mỹ Blinken nói, thì lúc ấy Trung Quốc trở thành bên tham chiến, can dự vào cuộc xung đột, và do vậy nước này tức thì sẽ hứng lấy các đòn trừng phạt của Mỹ. Đó sẽ là những biện pháp trừng phạt kinh tế, trong khi Trung Quốc đang bị cấm vận trong lĩnh vực công nghệ. Những biện pháp hạn chế này hiện đang gây khó khăn rất lớn, thậm chí cản trở đổi mới công nghệ của Trung Quốc. » Trung Quốc tìm kiếm gì khi đưa ra bản kế hoạch 12 điểm này, đúng vào ngày đánh dấu một năm Nga mở « chiến dịch quân sự đặc biệt » xâm lược Ukraina ? Theo quan sát nhiều nhà phân tích, mục tiêu của việc công bố kế hoạch này chỉ nhằm thể hiện lập trường của Trung Quốc muốn chấm dứt xung đột, để làm hài lòng những nước nào không hậu thuẫn Ukraina. Lập trường này có thể sẽ là mục tiêu cho một nghị quyết ở Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc nhằm chống lại các nghị quyết của phương Tây. Pierre Lellouche, cựu bộ trưởng Pháp, cựu chủ tịch Hội đồng Nghị viện NATO, trên đài RFI tóm lược dụng ý của Trung Quốc như sau : « Tôi không tin rằng Trung Quốc chấp nhận một giải pháp có lợi cho Mỹ hay phương Tây. Họ không thể nào bỏ rơi Nga, họ cần một nước Nga bị suy yếu, đó sẽ là một nước chư hầu. Nhưng Trung Quốc có ý định hình thành một thế giới hậu phương Tây và đó là những gì họ đang thực hiện với Tổ chức Thượng Hải, qua việc phi đô la hóa ngày càng nhiều các mối quan hệ kinh tế của Trung Quốc. Nước này mua dầu hỏa của Nga bằng nhân dân tệ rồi đem bán lại. Ả Rập Xê Út cũng đang làm điều tương tự, mua dầu hỏa của Nga bằng nhân dân tệ rồi bán lại bằng đô la. Trung Quốc đang tạo ra một hệ thống kinh tế thay thế cho sự thống trị của Mỹ dựa trên đồng đô la. (…) Trung Quốc đang xây dựng một thế giới hậu Ukraina. Theo tôi, điều quan trọng ở đây chính là một trật tự thế giới mới, một trật tự thế giới kiểu Trung Quốc. »
    3/9/2023
    9:26
  • Tam giác chiến lược Nga-Mỹ-Trung và những biến dạng
    Một năm sau tuyên bố tình hữu nghị Nga – Trung là "vô bờ bến", ngày 21/02/2023, trong chuyến thăm Matxcơva, lãnh đạo cao cấp nhất của ngành ngoại giao Trung Quốc, ông Vương Nghị, phát biểu rằng quan hệ Nga – Trung « vững chắc như bê tông ». Sự kiện cho thấy nước cờ đã đảo ngược, Hoa Kỳ giờ đang trong thế « một chọi hai ». Tiến triển và những biến đổi của tam giác chiến lược Nga-Mỹ-Trung luôn được giới quan sát ví như là kim chỉ nam để dự đoán các xu hướng phát triển địa chính trị trên thế giới. Thomas Gomart, viện trưởng Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp (IFRI), trả lời phỏng vấn Policy Center Of The New South năm 2016, từng nhận định, bộ ba chiến lược Nga- Mỹ-Trung là một trong những yếu tố cho cấu trúc toàn cầu hóa và sự tiến triển của hiện tượng này trong trung và ngắn hạn. Vì sao ? Ông giải thích : « Đó là ba nước có văn hóa chiến lược, nghĩa là, họ có một tham vọng, một ý đồ, một dự án quyền lực trên trường quốc tế. Đây là ba quốc gia thành viên thường trực tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Đó cũng là ba nước có mức chi tiêu quân sự hàng đầu thế giới và nếu chúng ta nhìn sự việc từ quan điểm của châu Âu, thì Trung Quốc, Nga và Hoa Kỳ đóng góp đến 37% cho nền ngoại thương của Liên Hiệp Châu Âu. » Ván cờ poker 1 : Đài Loan, vật cống phẩm Một chút lãng mạn, đó giống như một « mối tình tay ba ». Nhưng nếu nhìn trên góc độ chiến lược, đây rõ ràng là ván cờ poker với ba tay chơi Nga – Mỹ – Trung, mà mối quan hệ đối tác sẽ thay đổi theo lợi ích của mỗi bên tham gia. Trong ván cờ này, mối quan hệ Nga – Trung luôn là yếu tố mấu chốt cho những lợi ích địa chiến lược của Mỹ và điều này không có gì là mới mẻ. Người ta còn nhớ năm 1972, tổng thống Mỹ Richard Nixon đến Bắc Kinh gặp lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông nhằm gieo rắc sự bất đồng giữa hai cường quốc Cộng sản lúc bấy giờ là Trung Quốc và Liên bang Xô Viết. Để chuẩn bị cho cuộc gặp, cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ Henry Kissinger đã bí mật đến Bắc Kinh. Giáo sư Kinh tế - Chính trị, Glenn Diesen, trường đại học South Eastern Norway, trên đài truyền hình ARTE nhắc lại bối cảnh : « Hoa Kỳ lúc ấy phải đối mặt với một thách thức quan trọng vào lúc Trung Quốc đã chuyển sang chủ nghĩa cộng sản và đi theo Liên Xô. Mối liên minh này đã cho ra đời một khối hùng mạnh. Washington do vậy đã tìm cách chinh phục lòng tin của Trung Quốc để cản chân Liên Xô. Ý tưởng ở đây là chia rẽ hai nước khi chìa tay với bên yếu nhất là Trung Quốc. Đây chắc chắn là một thành công lớn nhất của Nixon và Kissinger, gây được bất hòa giữa hai ông khổng lồ Á – Âu và thúc đẩy Trung Quốc phần nào chống lại Liên Xô ». Cũng trong chương trình của ARTE, ông Lyle J. Goldstein, biên tập viên cho Defense Priorities cho rằng, để có thể tiếp cận được Mao Trạch Đông, Kissinger và Nixon khi ấy đều hiểu rằng đã đến lúc chấp nhận nguyên tắc « Một nước Trung Hoa duy nhất », theo đó, đảo Đài Loan chính thức thuộc về nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa và do vậy, phải hy sinh Đài Loan: « Tôi biết rằng đại diện của bộ Ngoại Giao Mỹ được cử đến Đài Loan để thông báo tin này đã được người dân đón tiếp bằng cách ném trứng. Nhưng Mỹ cũng phải đợi mất đến 7 năm sau mới thiết lập được quan hệ chính thức. Trung Quốc đưa ra rất nhiều đòi hỏi. Đặc biệt, họ yêu cầu Mỹ rút hết các căn cứ quân sự và quân nhân ra khỏi Đài Loan. Vào thời điểm đó, Mỹ có rất nhiều căn cứ cho oanh tạc cơ và có cả vũ khí hạt nhân trên đảo nữa. Đó là cách duy nhất để tránh một cuộc xâm chiếm đảo. Do vậy, Trung Quốc đòi rút hết các căn cứ của Mỹ. Trung Quốc còn yêu cầu hủy cả hiệp ước phòng thủ mà Hoa Kỳ ký kết với Đài Loan. Tất cả những điều kiện này đều được Mỹ đáp ứng, để có thể thiết lập bang giao chính thức. » Sự chối bỏ thực tế của Mỹ Rồi Liên Xô sụp đổ năm 1991. Tam giác chiến lược biến mất. Trung Quốc đang trong tiến trình cải tổ và mở cửa với thế giới bên ngoài. Từ thế lưỡng cực, thế giới rơi vào thế đơn cực dưới sự thống trị của Mỹ. Điều đáng chú ý là, cho đến khi Liên Xô tan rã, Mỹ đã áp dụng thành công quy tắc do cựu ngoại trưởng Kissinger thiết lập, khi muốn rằng Washington luôn ngự trị đỉnh của tam giác và giữ một khoảng cách gần với hai chóp còn lại. Sau một thời gian vắng bóng, Nga bắt đầu củng cố trở lại vị thế của mình trên trường quốc tế trong những thập niên 2010. Tuy nhiên, với nhịp độ phát triển kinh tế và tiềm năng dân số thấp, Nga biết rằng mình không còn là một đỉnh cố định của bộ ba. Nhưng thế ưu việt về hạt nhân, tính hiệu quả quân sự quy ước và một nền ngoại giao thông minh (nhất là Trung Đông và gần đây là với châu Phi), lại là những yếu tố chủ chốt giúp Nga duy trì vị trí trong hàng ngũ các đại cường . Rồi căng thẳng lại dấy lên giữa bộ ba chiến lược. Một ván cờ poker mới lại được hình thành cũng với ba tác nhân quen thuộc. Chỉ có điều lần này, Nga – Trung liên thủ tấn công con mồi Hoa Kỳ. Năm 2019, Dmitry Suslov, một nhà nghiên cứu thuộc Học viện Ngoại giao Matxcơva, trên trang mạng La Vigie (Văn phòng phân tích chiến lược) đưa ra một giải thích như sau : « Hiện trạng quan hệ chiến lược hiện nay chỉ là tạm thời, bởi vì điều cốt lõi của cuộc đối đầu Nga – Mỹ là sự điều chỉnh vô cùng đau đớn và đầy khó khăn của Mỹ với một thế giới đang phát triển đi ngược với những giả định về hệ tư tưởng của Mỹ, những câu chuyện lịch sử và các lợi ích quốc gia mà Hoa Kỳ không thể còn xác định hay kiểm soát được nữa. Một phần lớn của tình trạng mới này (nhưng không phải tất cả) có liên quan đến Nga và Trung Quốc, cả hai từ chối phát triển theo các chuẩn của Mỹ trên bình diện đối nội và đã bắt đầu phản đối vai trò lãnh đạo của Mỹ trên trường quốc tế. » Cũng theo ông Dmitry Suslov, chính sách đối đầu với Nga và Trung Quốc sẽ là một yếu tố chủ đạo cho chính sách đối ngoại của Mỹ. Vì những lý do ý thức hệ, địa chính trị và lịch sử, Hoa Kỳ cho đến lúc này vẫn chưa thể chấp nhận Nga và Trung Quốc như là những đại cường độc lập chính đáng, và là đồng tác giả, đồng quản trị với hai nước này trật tự thế giới. Hoa Kỳ dưới thời Donald Trump xem Trung Quốc như là một đối thủ chiến lược chính chứ không phải là Nga, và ban đầu đã tính đến khả năng xích lại gần Nga một phần trong tư thế chống Trung Quốc. Chính sách này dường như cũng đã chính quyền Biden tiếp tục nhưng bất thành. Ván cờ poker 2 : Mỹ là con mồi, Ukraina là nạn nhân Phân tích của Jean de Gliniasty, cựu đại sứ Pháp ở Nga, nhà nghiên cứu thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược (IRIS), cho thấy chính quyền Nga theo dõi sát cuộc khủng hoảng ngoại giao Mỹ - Trung, đồng thời hiểu rằng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc càng gia tăng, Nga càng rộng đường hành động. Từ lâu Matxcơva hiểu rằng không thể trông đợi được gì từ Donald Trump và thái độ thù nghịch sẽ là kéo dài, thậm chí là « có hệ thống ». Lợi thế của việc Joe Biden lên cầm quyền là có được một khả năng dự báo tốt hơn và hợp lý hơn về thái độ của Mỹ đối với Nga. Trong một bài viết đăng trên tạp chí có tiêu đề « Song đấu Trung – Mỹ ? », số mùa đông 2020, nhà nghiên cứu này lấy làm tiếc rằng Washington dường như đã đánh giá thấp một mối liên minh thật sự giữa Matxcơva và Bắc Kinh. Cảm nhận này giờ được minh chứng rõ qua cuộc chiến xâm lược Ukraina do Nga tiến hành, gây bất ổn cho an ninh châu Âu, an toàn lương thực, gây khủng hoảng năng lượng và lạm phát trên toàn cầu. Bắc Kinh không ngừng hậu thuẫn chính trị mạnh mẽ Matxcơva. Trung Quốc không lên án cuộc chiến xâm lược của Nga, mà còn cáo buộc phương Tây và nhất là Mỹ là gốc rễ của mọi điều tồi tệ. Quan hệ Nga – Trung sẽ có thêm một bước tiến lớn nếu như Bắc Kinh quyết định cung cấp vũ khí sát thương hậu thuẫn cho cuộc tấn công mùa xuân của Nga. Trả lời AFP, giáo sư Alexey Muraviev, chuyên nghiên cứu về chiến lược và an ninh, trường đại học Curtin tại Perth, Úc, nhận định, với quyết định này, Trung Quốc xem như « thiêu rụi những chiếc cầu nối còn lại với Mỹ và phá hủy các mối quan hệ với Châu Âu. » Nhưng viễn cảnh nhìn thấy Nga thua cũng khiến Trung Quốc lo lắng. Trong kịch bản này, Bắc Kinh có nguy cơ bị đơn độc. Nga là đại cường duy nhất ủng hộ Trung Quốc. Ngược lại, một thắng lợi của Nga « sẽ giáng một đòn thất bại chiến lược cho Mỹ », và củng cố hơn nữa lập luận điệu của Tập Cận Bình rằng phương Tây đang hồi suy tàn. Trong toàn cảnh này, nhà sử học Thomas Gomart trên đài RFI có dự báo cho tương lai tam giác chiến lược Nga – Mỹ – Trung như sau : « Hơn 50 năm sau, phân khúc yếu lần này là Nga, nghĩa là về cơ bản, bất kể kết cuộc của cuộc chiến ra sao, Nga sẽ ra khỏi chiến dịch Ukraina với một vị thế quốc tế bị suy yếu rất nhiều so với Mỹ và Trung Quốc. Hai nước này sẽ củng cố sức mạnh hơn nữa. Hoa Kỳ vì một lý do khá đơn giản : nhờ khủng hoảng này, họ đang giành lại quyền kiểm soát an ninh châu Âu. Hoa Kỳ còn thấy có một cơ hội phá hủy một phần kho vũ khí quy ước của Nga, đã công khai thách thức Hoa Kỳ những năm gần đây. Còn đối với Trung Quốc, chúng ta có cảm giác là sự hỗ trợ về chính trị, có nhiều khả năng hỗ trợ kinh tế và một ngày nào đó rất có thể là hỗ trợ quân sự cho Nga, sẽ bị giới hạn ngay khi điều đó chạm đến các vấn đề hạt nhân. Từ quan điểm này, Trung Quốc thoát khỏi cuộc xung đột trong một thế bất đối xứng, có nhiều lợi thế hơn so với Nga trước khi có cuộc khủng hoảng này. » Một điều chắc chắn, ván cờ poker lần này sẽ căng thẳng và nhiều kịch tích hơn lần trước. Trang mạng CNN ngày 14/02/2023 nhận định : « Chiến đấu với một cuộc Chiến Tranh Lạnh đã đủ tồi tệ. Tiến hành cả hai cùng một lúc sẽ là điều không thể ». Nước Mỹ hiện phải đối mặt đồng thời với các cuộc khủng hoảng ngoại giao và an ninh quốc gia, với đối thủ siêu cường của thế kỷ XX là Nga và với đối thủ hàng đầu thế kỷ XXI là Trung Quốc.
    3/2/2023
    10:38
  • Một năm chiến tranh Ukraina : Phương Tây đơn độc ?
    Ngày 24/02/2023 đánh dấu đúng một năm ngày tổng thống Nga Vladimir Putin phát động « chiến dịch quân sự đặc biệt » xâm lược Ukraina. Thế giới một lần nữa bị phân cực. Nhưng sự hậu thuẫn của Trung Quốc đối với Nga và sự oán hờn của những nước phương Nam (tức phần còn lại của thế giới) báo hiệu hồi cáo chung cho một trật tự thế giới do các cường quốc phương Tây thống trị. « Bóng ma Ukraina » Thomas Gomart, giám đốc Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp (IFRI), trong phần mở đầu của tập sách « Les Ambitions inavouées. Ce que préparent les grandes puissances » (tạm dịch là Những tham vọng không thú nhận. Những gì các siêu cường đang chuẩn bị), được xuất bản năm nay, có viết : « Khi quyết định "phi quân sự hóa" và "phi phát xít hóa" Ukraina bằng vũ lực, tổng thống Nga muốn viết một trang mới cho Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, ba mươi năm sau khi Liên Xô sụp đổ, với mục tiêu kép : Chinh phục dân tộc Ukraina và thách thức Phương Tây, bị cáo buộc là nguồn cội của mọi điều xấu xa. Năm 2020, Putin từng cho rằng, giả như Nga và Ukraina mà được hợp nhất, điều đó sẽ tạo nên một đối thủ địa chính trị hùng mạnh trước phương Tây ». (trang 12, dòng 7-14) Hai năm sau tuyên bố này, quyết định gây hấn của tổng thống Nga gây ra một cơn chấn động vượt quá khuôn khổ quan hệ Nga-Ukraina. Hơn bao giờ hết, Kiev đã từng và giờ vẫn luôn có một vị trí chiến lược quan trọng trong nhãn quan chủ nhân điện Kremlin. Nhà sử học Thomas Gomart, ở trang 11, cũng trong phần mở đầu, mục « Bóng ma Ukraina », nhận định : « Giữa Berlin và Matxcơva, vùng lãnh thổ này (Ukraina) từng là tâm của hai cuộc thế chiến, vì một lý do đơn giản : Không có người dân, ngành nông nghiệp và nền công nghiệp Ukraina, nước Nga có lẽ sẽ chẳng bao giờ vươn lên vị thế đại cường. Và nếu như không có cường quốc Nga, thì có lẽ Đức đã thống trị châu Âu. » Tham vọng đại cường của Putin Và tham vọng trở lại thành đại cường đã từng được ông Vladimir Putin nói đến năm 2007, cũng tại Hội nghị An ninh Quốc tế Munich, khi hàm ý với phương Tây rằng tiệc mừng hậu Xô Viết đã tàn. Nhật báo Công Giáo La Croix (17/02/2023) nhắc lại, trong một bài diễn văn làm lạnh gáy dài 20 phút năm đó, tổng thống Nga kịch liệt phản đối trật tự thế giới hậu Chiến Tranh Lạnh do Mỹ thống trị, việc mở rộng khối NATO sang các nước cựu thành viên Hiệp ước Vacxava và kế hoạch triển khai lá chắn tên lửa ngay sát biên giới nước Nga. Lời lẽ hung hăng, nỗi hoài niệm của ông Putin về một « thời kỳ cân bằng của Chiến Tranh Lạnh » dù rất gây sốc nhưng lại không được một nước phương Tây nào quan tâm đến. Trong nhãn quan của phương Tây, Nga không còn là một cường quốc nữa. Ít có vị lãnh đạo nào hiện diện trong hội nghị năm xưa muốn nhận ra rằng Vladimir Putin và những người thân cận của ông ngay từ thời điểm đó đã xem Phương Tây như là một kẻ thù có quyết tâm làm suy yếu nước Nga. Mười sáu năm sau, chiến tranh cường độ cao trở lại trên Lục Địa Già, làm tan vỡ mọi ảo tưởng của một châu Âu từng nghĩ rằng có thể xây dựng sự thịnh vượng cho mình nhờ vào khí đốt giá rẻ của Nga, giao thương với Trung Quốc và một sự bảo đảm an ninh vĩnh viễn từ Mỹ. Thomas Gomart cho rằng cuộc chiến tại Ukraina đâu chỉ mới bắt đầu từ năm qua mà trên thực tế đã bước sang năm thứ 9. Và những phân tích sai lầm của châu Âu Đó cũng là quãng thời gian phương Tây, đặc biệt là châu Âu đã có những phân tích sai lầm về chính trị, dẫn đến những thất bại về ngoại giao của Đức và Pháp trong những ngày trước khi xảy ra cuộc chiến. Trên đài RFI, Thomas Gomart giải thích : « Bởi vì châu Âu đã đánh giá thấp, hay đánh giá sai tiến triển bản chất của chế độ Putin kể từ khi ông đặt chân vào điện Kremlin năm 2000. Trên thực tế, đó là một chế độ mà đối với họ chiến tranh là không thể tách rời. Một chế độ mà người ta quan sát từ hơn hai thập niên qua đã dần tự xây dựng một ý thức hệ chống lại phương Tây và kể từ giờ đặt cuộc xâm lược Ukraina trong một cuộc chiến chống phương Tây rộng lớn hơn. » (RFI 04/02/2023) Sai lầm chính trị đã dẫn đến những tác động to lớn trên bình diện quân sự. Châu Âu giải trừ vũ khí trong vòng hai thế hệ, từ đầu những năm 1970, và sau ngày 11/09/2001. Thế nhưng, trong cùng thời gian này, nhiều tác nhân chiến lược khác như Nga, Trung Quốc, Hoa Kỳ, thậm chí Ả Rập Xê Út và Ấn Độ lại ồ ạt tái vũ trang. Hệ quả là, theo Thomas Gomart, « sự khác biệt này đến từ việc chiến tranh không nằm trong trường bận tâm của châu Âu nữa, nhưng chúng vẫn là mối quan tâm của nhiều tác nhân chiến lược khác. Ở đây có một kiểu trở lại với thực tế: dường như việc sử dụng vũ lực để làm thay đổi môi trường bên ngoài là lỗi thời đối với châu Âu, nhưng đối với các nước như Nga trong trường hợp này thì hoàn toàn là không. Sự khác biệt này là khó khăn cho châu Âu, bởi vì họ không được chuẩn bị cho điều đó và họ không hẳn phải có những nỗ lực cần thiết để ngăn chặn mối đe dọa như là từ Nga. » (France 24 25/01/2023) Chiến tranh không biết khi nào sẽ kết thúc, nhưng trong cuộc chiến này, châu Âu nói riêng và phương Tây nói chung bị đơn độc. Người ta còn nhớ tổng thống Nga, ngày 07/07/2022, trước các đại biểu của Duma, từng tuyên bố : « Chúng ta đã bắt đầu đập vỡ một cách dứt khoát thế thống trị của phương Tây trên thế giới ». Phi phương Tây hóa Đối với phương Tây, cuộc xâm lược của Nga không những đe dọa sự tồn vong của Ukraina với tư cách là một Nhà nước có chủ quyền, mà cả cho an ninh toàn châu Âu, cũng như nền tảng của trật tự thế giới. Điều quan trọng nhất chính là nguyên tắc không gây hấn và toàn vẹn lãnh thổ được ghi trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Michel Duclos, cựu đại sứ và cố vấn đặc biệt Viện Montaigne (Pháp) lưu ý « cuộc chiến tranh tại Ukraina còn báo hiệu hồi kết của sự ảo tưởng về một trật tự quốc tế tự do, nghĩa là một trật tự do các cường quốc phương Tây thống trị ». Sự bất mãn này vốn dĩ đã có ngay từ những cuộc khủng hoảng đầu tiên như Irak, Libya, Syria rồi sau này là Ukraina … Trong những hồ sơ này, Ấn Độ và Brazil đều vắng mặt. Trên đài France Inter (13/02/2023), Michel Duclos nhận định cuộc chiến tranh này là chiếc gương phản chiếu hiện tượng phi phương Tây hóa tại phần lớn « các nước phương Nam ». Ông nói : « Qua những chia rẽ về hành động xâm lược của Nga, về cơ bản, còn có một sự bất đồng liên quan đến chính nguyên tắc trật tự quốc tế, nghĩa là bản Hiến chương của Liên Hiệp Quốc. Chúng ta tự cho rằng văn bản này đã bị vi phạm một cách không thể chấp nhận và trước sự việc này cần phải hành động. Nhưng nhìn từ các nước phương Nam, trên thực tế, đó chỉ là một giai đoạn trong số các giai đoạn khác kéo theo nhiều sự vi phạm khác, ban đầu là từ Mỹ và phương Tây và về cơ bản, điều đó có nghĩa là không ai tin vào những nguyên tắc nền tảng cho đến nay nhìn bề ngoài trông có vẻ giống như một trật tự, giống như một cấu trúc cho đời sống quốc tế. »  Các nước phương Nam và sự oán hờn phương Tây Chính trong sự oán hờn phương Tây này mà các nước South Global (Sud Global), tức các nước đang phát triển, xem chiến tranh tại Ukraina chỉ là một « cuộc chiến giữa những nước châu Âu », « một màn trình diễn khá xa lạ và phần lớn các nước không muốn xen vào ». Cảm xúc này được thể hiện rõ qua các ngôn từ. Phương Tây bị chỉ trích là can thiệp, hay đặt điều kiện trong những khoản hỗ trợ. Các phát biểu luôn bị đánh giá « sặc mùi » chủ nghĩa tân thực dân. Đây chính là những điểm mà nhà nghiên cứu thuộc viện Montaigne cho rằng phương Tây cần phải lưu ý : « Ở đây, chúng ta cần phải hết sức thận trọng do việc Trung Quốc, hay nhiều nước xuất khẩu dầu hỏa có khả năng tập hợp thành một liên minh để chống phương Tây bằng cách khai thác tâm lý oán giận đó. Và đây cũng chính là những gì bản thân Nga đã vun đắp từ nhiều năm nay và trong chừng mực nào đó, một kiểu trung lập, thậm chí lòng nhân từ tại một số đông các nước phương Nam. Đây là một phần kết quả của sự đầu tư mà Nga đã gầy dựng bằng cách khai thác cảm xúc oán hờn chống phương Tây. » Michel Duclos, tác giả tập sách « Chiến tranh Ukraina và trật tự thế giới mới. 22 quan điểm quốc tế sau cuộc xâm lược của Nga » (Guerre en Ukraine et nouvel ordre du monde. 22 regards internationaux après l’agression russe – NXB Observatoire, 2023), cuộc xung đột Nga - Ukraina cho thấy rõ một thực tế : Một mặt, khi không ngừng ủng hộ Matxcơva về mặt chính trị, nhưng cho đến lúc này vẫn tránh được các trừng phạt của Mỹ bằng cách kềm chế hỗ trợ kinh tế và quân sự, rõ ràng Trung Quốc là đối tác chiến lược của Nga. Mặt khác, cuộc chiến Ukraina đang tạo thành một « thời điểm để tự khẳng định » cho những nước có thể được gọi là các cường quốc tầm trung như Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Xê Út hay Ấn Độ. Tầm quan trọng về kinh tế và dân số mà những nước này có được cho phép họ tăng cường quan hệ kinh tế với Nga mà không lo sợ bị phương Tây trả đũa. Chỉ có điều khi cung cấp « quả bóng dưỡng khí » cho Nga, những nước này cũng đang góp phần làm suy yếu chiến lược của phương Tây cô lập và làm suy yếu nước Nga!
    2/23/2023
    9:52
  • Châu Phi : Đối tác chiến lược để Nga bẻ gãy vòng vây phương Tây
    Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov vừa kết thúc một vòng công du mới tại châu Phi, chuyến đi thứ ba kể từ đầu cuộc chiến xâm lăng Ukraina của Nga. Sự kiện cho thấy ảnh hưởng của Nga đã được củng cố tại châu lục. Đây cũng là kết quả một chiến lược dài hạn mà Nga đã gầy dựng trong nhiều thập niên : Ngoại giao vũ khí và Chiến tranh truyền thông, để tạo dựng uy tín, tiếp cận nguồn tài nguyên thiên nhiên, và phá vỡ lệnh cấm vận kinh tế của phương Tây. Châu Phi : Nước Nga đã trở lại Nhưng đó còn là một mối quan hệ cũ xưa có từ thời Chiến Tranh Lạnh. Quá trình phi thực dân hóa đầy bạo lực tại châu Phi từng là một cơ hội để Liên Xô lúc bấy giờ xuất khẩu mô hình chế độ Xô Viết, thiết lập quan hệ với nhiều nước phát triển theo chủ nghĩa xã hội như Ai Cập, Guinea, Ghana, Togo, Mali, Ethiopia, Angola, Mozambique và Benin. Và quan hệ đối tác giữa Liên Xô và các nước châu Phi thời đó được thực hiện theo khái niệm « chuyển nhượng đổi lấy bảo hộ », nghĩa là « đổi khai thác quặng mỏ lấy hỗ trợ quân sự và kỹ thuật, hậu thuẫn kinh tế trực tiếp và trợ giúp kinh tế gián tiếp. » Sự sụp đổ của khối Xô Viết năm 1991 và những thay đổi đột ngột trong chính sách đối ngoại, kinh tế, chính trị và thương mại là cú hãm phanh cho tầm ảnh hưởng Nga trong một thời gian dài tại châu Phi. Vào thời kỳ này, giới chức lãnh đạo Nga, điển hình là tổng thống Boris Eltsin (1991-1999),  cho rằng châu Phi là nguồn cội của những cuộc phiêu lưu địa chính trị tốn kém và do vậy, chỉ ưu tiên tập trung các nỗ lực vào những thay đổi trong nước. Nga chỉ thật sự quan tâm trở lại châu Phi khi Vladimir Putin lên cầm quyền vào năm 2000. Sự kiện tổng thống Algeri Bouteflika năm 2001 có chuyến thăm chính thức ở Nga và ký kết một tuyên bố về quan hệ đối tác chiến lược – hiệp ước đầu tiên giữa Nga với một nước châu Phi, là nền tảng cơ bản cho việc nối lại mối quan hệ giữa Nga và châu Phi thời kỳ hậu Xô Viết. Thế nên, Jean de Gliniasty, cựu đại sứ Pháp tại Nga và Senegal, giám đốc nghiên cứu thuộc Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (IRIS), trên đài RFI, cho rằng những chuyến thăm dồn dập nhiều nước châu Phi của ông Lavrov chỉ nhằm mục đích củng cố đà tiến mà Nga đã gầy dựng từ bao lâu nay: « Bởi vì, sau một giai đoạn đầu tiên hoàn toàn bất định và buông xuôi châu Phi trong suốt giai đoạn Boris Eltsin (1991-1999), Vladimir Putin ngay từ những ngày đầu cầm quyền đã bắt đầu củng cố mối quan hệ với châu Phi. Điều thú vị lần này với ông Lavrov, chính là sự ưu ái mà ông ấy dành cho các quốc gia châu Phi nói tiếng Pháp, trong một tinh thần cạnh tranh, thậm chí là thù địch ». Ngoại giao vũ khí Theo các nghiên cứu, sự gia tăng ảnh hưởng của Nga tại châu Phi có thể được phân thành hai giai đoạn mà năm 2014 là một cột mốc quan trọng. Từ năm 2006 đến trước năm 2014 là thời kỳ Nga đang củng cố vị thế và niềm tin với các nước châu Phi qua việc có những cử chỉ hào phóng : « Xóa nợ » để đổi lấy các hợp đồng bán vũ khí như với Algeri (2006) hay các hợp đồng xây dựng cơ sở hạ tầng và khai thác dầu khí chẳng hạn ở Libya (2008). Năm 2014, các biện pháp trừng phạt nặng nề của phương Tây sau vụ sáp nhập bán đảo Crimée càng thúc đẩy nước Nga của ông Putin tìm kiếm thêm đối tác kinh tế. Châu Phi một lần nữa lại được coi như là một đối tác quan trọng tiềm tàng. Trong bối cảnh này, Matxcơva phải điều chỉnh lại chính sách đối ngoại : Tìm cách chống ảnh hưởng của Pháp bằng cách xích lại gần hơn các nước châu Phi, kể cả những nước nói tiếng Pháp, nhằm giảm bớt áp lực từ phương Tây. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2014-2019, gần 20 thỏa thuận đã được ký kết giữa Nga và các nước châu Phi về xuất khẩu vũ khí, và quan hệ đối tác quân sự - kỹ thuật. Thượng đỉnh Nga – châu Phi tại Sotchi năm 2019 đã chính thức đánh dấu sự trở lại của Nga tại châu lục. Các điều khoản cho mối quan hệ đối tác được phân định : Đổi khai thác tài nguyên của châu Phi lấy hỗ trợ quân sự - kỹ thuật của Nga. Trả lời phỏng vấn với đài RFI hồi năm 2021, nhà nghiên cứu Maxime Audinet, tại IRSEM, trường Quân sự Pháp tóm lược chính sách châu Phi của Nga như sau : « Có một sự thống trị rất rõ nét trong những gì mà Nga gọi là hợp tác quân sự - kỹ thuật, nghĩa là bán vũ khí, đào tạo binh sĩ… Và rộng ra hơn nữa còn có điều mà người ta gọi là dịch vụ an ninh. Nghĩa là Nga cung cấp các lực lượng, vũ khí, v.v… để bảo vệ chính phủ hay một số cơ sở hạ tầng, cho vài doanh nghiệp tại nhiều nước châu Phi. Chính sách này đôi khi được thực hiện với các tác nhân nhà nước, cho đến các tác nhân phi nhà nước, chẳng hạn như tập đoàn bán quân sự tư nhân Wagner. » Chiến tranh kiểu mới Vì sao Nga có thể gia tăng tầm ảnh hưởng tại châu lục trong một thời gian ngắn ngủi như thế ? Một phần nguyên nhân có thể được giải thích bởi những đòi hỏi nghiêm ngặt về chính trị, cũng như sự do dự ngày càng lớn của phương Tây trong việc cung cấp hỗ trợ quân sự, vốn dĩ là một nhu cầu thiết yếu cho nhiều nước châu Phi để chặn đứng sự trỗi dậy của quân khủng bố. Nhưng mặt khác, đây còn là kết quả của một chiến lược đương đại mới của Nga, được giới sĩ quan cao cấp, mà điển hình là tướng Gerasimov – tham mưu trưởng quân đội Nga – định hình từ năm 2007, khi đưa ra một khái niệm « Chiến tranh thế hệ mới ». Trái với lối suy nghĩ của phương Tây, biện chứng theo chu kỳ chiến tranh – hòa bình, trong nhãn quan các nhà chiến lược Nga, « chiến tranh là sự tiếp nối của chính sách hòa bình và hòa bình là sự tiếp tục của chính sách chiến tranh ». Do vậy, không có sự thay đổi rõ nét các chính sách của chính phủ trong thời chiến hay thời bình. Theo Charlotte Rousseaux, tác giả bài viết « Quan hệ Nga – Châu Phi nhằm phá vỡ vòng vây kinh tế » đăng trên trang mạng Ecole de Guerre Economique (ngày 05/01/2022), « khái niệm mới này cho phép Nga xóa nhòa ranh giới giữa các phương tiện quân sự, kinh tế, ngoại giao, tội phạm, tình báo, điều quan trọng là đạt được các mục tiêu chính trị được vạch ra. » Trong khái niệm « chiến tranh thế hệ mới » này, mà ở đó, các hình thức đấu tranh chính trị, đấu tranh ngoại giao, đấu tranh thông tin được xác định như là những thành phần không thể thiếu cho cuộc chiến. Tác giả nhìn nhận, khái niệm này không hẳn là hoàn toàn mới, nhưng chiến lược mới của Nga nhấn mạnh đến vai trò của những phương tiện phi quân sự, cho phép đạt được những mục tiêu chiến lược và chính trị vượt xa hiệu quả sức mạnh vũ khí. Trong chiến lược này, tập đoàn bán quân sự Wagner do ông Evgueni Prigojine lãnh đạo là lá chủ bài quan trọng của Nga là một trong số các ví dụ điển hình nhất cho khái niệm « chiến tranh kiểu mới », được tướng Gerasimov khuyến nghị trong các cuộc xung đột mới. Ngoại giao ký ức Ngoài ra, mục tiêu khác của quân đội Nga là làm thế nào đạt được thế ưu thế thông tin, khi sử dụng đến thuật ngữ « cuộc chiến truyền thông ». Trước việc còn thiếu năng lực quân sự, bị phương Tây từ chối nhìn nhận tính chính đáng chính trị và một nền kinh tế yếu kém, những yếu tố có khả năng cản trở Nga đạt được những mục tiêu quân sự quan trọng, Matxcơva ý thức được rằng thông tin có thể là một lãnh vực tạo nên một sức mạnh cho quốc gia. Về điểm này, chuyên gia Maxime Audinet tại IRSEM nhận định: « Còn có một lĩnh vực sau cùng mà quý vị thấy rõ có sự gia tăng mạnh mẽ và đã được nâng cấp từ vài năm gần đây, đó chính là lĩnh vực gây ảnh hưởng truyền thông và thông tin. Chúng mang nét đặc trưng của những điều mà người ta gọi là ngoại giao công chúng, hay tuyên truyền truyền thông quốc tế, thông qua các hoạt động gây ảnh hưởng hay thông tin sai lệch và rồi – đây còn là một yếu tố thú vị - thông qua sự xâm nhập từ các tác nhân Nga, từ một số mạng lưới truyền thông châu Phi, đặc biệt là với những mạng lưới nào vẫn còn khá mong manh hoặc khá bấp bênh. Điều này đặc biệt cho trường hợp của Cộng hòa Trung Phi. » Trong cuộc chiến này, « ngoại giao ký ức » là một biệt tài của Nga mà Pháp là một nạn nhân điển hình. Jade McGlynn, tác giả tập sách « Cuộc chiến của Nga » (Russia’s War) và là nhà nghiên cứu tại King’s College ở Luân Đôn, trên mạng Foreign Policy ngày 02/08/2023 đánh giá, chuyến công du của ngoại trưởng Serguei Lavrov chẳng khác gì một hình thức đi « tiếp thị, quảng cáo Nga như là một cường quốc chống thực dân đối với châu Phi ».    Tại những nơi ngoại trưởng Nga đi qua, ông và các đồng nghiệp đều thúc đẩy quan điểm rằng Nga là một lực lượng chống chủ nghĩa đế quốc, nhắc lại những ký ức tích cực về sự hỗ trợ của Liên Xô đối với cuộc chiến tranh giành độc lập ở châu Phi chống lại thực dân phương Tây vốn chỉ tìm cách chiếm đoạt tài nguyên châu lục. Hệ quả là làn sóng phản đối sự hiện diện của binh sĩ Pháp trỗi dậy tại nhiều nước. Vài ngày trước chuyến thăm của ngoại trưởng Nga, chính quyền Burkina Faso đã chính thức yêu cầu Paris trong vòng một tháng phải rút hết toàn bộ binh sĩ đóng quân trên lãnh thổ. Đây là nước châu Phi thứ ba, sau Mali và Cộng hòa Trung Phi, trong chưa đầy một năm, đã buộc Pháp phải triệt thoái quân về nước ! Cuối cùng, trang mạng Mondafrique trong một bài viết đề tựa « Ảnh hưởng của Nga qua ngả hậu thuẫn quân sự » (13/01/2023) nhận định, trong cuộc đọ sức giữa Nga và phương Tây, châu Phi đang là chiến tuyến thứ hai, sau Đông Âu, để Nga bao vây Tây Âu. Nhiều ý kiến cho rằng, bằng cách gây ra bất ổn, gây nhiễu các cuộc bầu cử dân chủ ở châu Phi, xuất khẩu vũ khí và duy trì chính sách di dân tiềm tàng, « đại chiến lược » của ông Putin là sử dụng châu Phi để gây bất ổn châu Âu !
    2/16/2023
    10:26

Andere hörten auch

Über TẠP CHÍ TIÊU ĐIỂM

Sender-Website

Hören Sie TẠP CHÍ TIÊU ĐIỂM, Hitradio Ö3 und viele andere Radiosender aus aller Welt mit der radio.at-App

TẠP CHÍ TIÊU ĐIỂM

TẠP CHÍ TIÊU ĐIỂM

Jetzt kostenlos herunterladen und einfach Radio & Podcasts hören.

Google Play StoreApp Store

TẠP CHÍ TIÊU ĐIỂM: Zugehörige Sender