Partner im RedaktionsNetzwerk Deutschland
Höre Tạp chí âm nhạc in der App.
Höre Tạp chí âm nhạc in der App.
(7.565)(6.472)
Sender speichern
Wecker
Sleeptimer
Sender speichern
Wecker
Sleeptimer
StartseitePodcastsMusik
Tạp chí âm nhạc

Tạp chí âm nhạc

Podcast Tạp chí âm nhạc
Podcast Tạp chí âm nhạc

Tạp chí âm nhạc

RFI Tiếng Việt
hinzufügen
Góc vườn âm nhạc của RFI Mehr
Góc vườn âm nhạc của RFI Mehr

Verfügbare Folgen

5 von 24
  • Bản nhạc gốc ''Tình nồng cháy'' đến từ đâu
    Chỉ cần nghe những nốt nhạc dạo đầu trỗi lên, giới yêu nhạc Pháp cảm thấy giai điệu rất quen thuộc, nhưng không nhớ rõ tác giả ban đầu là ai, bài hát này đến từ đâu. Trong tiếng Việt, nhạc phẩm từng được tác giả Anh Bằng đặt lời thành ''Tình nồng cháy'', thế nhưng trái với nhiều nguồn ghi chép thiếu chính xác trên mạng, nguyên tác không phải là một bản nhạc Pháp. Bản nhạc tiếng Việt ''Tình nồng cháy'' dựa theo giai điệu tiếng Pháp ''Roule s'enroule''. Thế nhưng, bản nhạc Pháp (qua tiếng hát của Nana Mouskouri) cũng chỉ là một bản chuyển ngữ phóng tác. Nói cho thật chính xác, bản nhạc gốc lại là một bài dân ca tiếng Do Thái. Theo giáo sư người Mỹ Hankus Netsky, chuyên nghiên cứu và giảng dạy nhạc dân tộc tại Trường cao đẳng âm nhạc NEC (New England Conservatory of Music) tại thành phố Boston, giai điệu nguyên tác chính là bài "Tumbalalaika" (Tiếng đàn balalaika). Đây là một bản dân ca hát bằng tiếng yiddish trong cộng đồng người Do Thái sống tại Nga và Đông Âu. Trong tiếng yiddish, ''tum'' có nghĩa là tiếng động còn ''balalaika'' là tên của loại đàn ba dây, nhạc cụ này có nguồn gốc từ Nga. Cũng theo giáo sư Hankus Netsky, tuy cùng gọi là Do Thái nhưng tiếng yiddish (ở Đông Âu) khác với tiếng hébreu (ở Israel) chủ yếu cũng vì yiddish thuộc ngữ hệ Ấn-Âu trong khi tiếng hébreu (hebrew) bắt nguồn từ vùng Trung Đông. Trong quyển sách mang tựa đề ''Hankus Netsky's Oral History'', giáo sư người Mỹ cho biết "Tumbalalaika" là một bài dân ca khẩu truyền có từ xa xưa, bài hát khuyết danh tác giả vì được hát từ đời này qua đời khác, chứ không được lưu truyền qua văn bản. Với thời gian bản nhạc này đã trở thành di sản văn hóa của cộng đồng người Do Thái đến từ Đông Ấu (ashkénaze), khác với cộng đồng Do Thái (séfarade) từ Tây Ban Nha từng đến định cư lập nghiệp tại các nước Bắc Phi. Nhạc phẩm "Tumbalalaika" đã được ghi âm hàng trăm lần trong nhiều thứ tiếng khác nhau, kể cả tiếng Anh, tiếng Tiệp, tiếng Hung, Ba Lan, Phần Lan, Thụy Điển hay Bồ Đào Nha. Những phiên bản đầu tiên ghi âm bằng tiếng yiddish có từ đầu thập niên 1950. Còn tại Pháp, người đầu tiên hát bài này trên sân khấu là nữ ca sĩ Rika Zarai sinh tại Israel, do thân phụ của cô là người Do Thái đến từ Odessa (Ukraina), theo Rika Zarai, bài này thường được hát trong những buổi họp mặt gia đình. Vào năm 1968, nữ danh ca người Hy Lạp Nana Mouskouri thực hiện bản ghi âm đầu tiên của bài này bằng tiếng Pháp với tựa đề ''Roule s'enroule''. Đồng thời, cô cũng ghi âm một phiên bản với lời tiếng Anh ''Over and over''. Về mặt giai điệu, bản dân ca được tác giả George Petsilas (Yorgos) chuyển thể sang điệu valse. Tác giả này là chồng của nữ ca sĩ Nana Mouskouri. Ông từng sáng lập ban nhạc The Athenians, họ sống chung và đi diễn với nhau trong hơn một thập niên liền, từ năm 1961 đến năm 1975. Về phần mình tác giả Michel Jourdan đặt lời Pháp cho bản dân ca này thành nhạc phẩm ''Roule s'enroule''. Thuộc cùng một thế hệ với Pierre Delanoe, Claude Lemesle, Jean Renard (Mike Brant) và Jacques Revaux (Michel Sardou), ông từng viết lời cho khoảng 2.000 bài hát trong đó có nhiều nhạc phẩm ăn khách, sáng tác riêng cho các ca sĩ Pháp như Dalida, Richard Anthony, Claude François, Mike Brant, Hélène Ségara.... Ông cùng từng chuyển sang lời Pháp các nhạc phẩm ăn khách nhất của thần tượng Tây Ban Nha Julio Iglesias. Khi chấp bút sáng tác cho Nana Mouskouri, tác giả Michel Jourdan đã gợi hứng từ các bài thơ văn xuôi lãng mạn của thi hào gốc Liban Kalil Gibran (1883-1931). Tuyển tập "Prophète" (Nhà tiên tri) của ông đã khai sinh phong trào phục hưng trong làng văn học Ả Rập hiện đại. Nhiều bài thơ của ông được nữ danh ca người Hy Lạp chọn làm ''sách gối đầu giường'', đọc hoài mà vẫn thấy hay, nghe mãi mà vẫn không chán. Ngoài phong cách trữ tình, tác giả Michel Jourdan còn kết hợp hình tượng các nữ thần nắm giữ số mệnh. Trong huyền thoại Hy Lạp, ba vị thần định đoạt quyền sinh tử của mỗi con người : vị thần đầu tiên cầm trong tay cuộn chỉ số mệnh, vị thứ nhì quay chỉ đo thành từng sợi ngắn hay dài, vị thần thứ ba là người cuối cùng cắt đứt sợi chỉ. Dưới ngòi bút của Michel Jourdan, nhạc phẩm ''Roule s'enroule'' qua ẩn dụ của ''sợi chỉ số mệnh'' nói lên lời thề thủy chung cho một mối tình ngàn đời. Hai sợi chỉ quyện chặt vào nhau từ cái thuở đôi mươi cho đến khi hết kiếp người, từ hai sợi hợp thành một khối, nên không chi có thể tách rời.
    27.5.2023
    9:06
  • Âm nhạc Pháp: Hai anh em tác giả Goldman, nổi tiếng mà vẫn khiêm nhường
    Theo thăm dò dư luận tại Pháp, trên danh sách các nhân vật nổi tiếng, Jean-Jacques Goldman là gương mặt được nguời Pháp yêu chuộng nhất. Ca sĩ kiêm tác giả thường đứng đầu bảng xếp hạng này trong vòng một thập niên liền, cho dù ông đã giải nghệ sân khấu từ năm 2016. Một gương mặt khác, cũng nổi tiếng trong giới nghệ sĩ nhưng lại ít được công chúng biết đến, đó là Robert Goldman, em trai của Jean-Jacques Goldman. Năm nay vừa tròn 70 tuổi, Robert Goldman đồng sáng lập công ty sản xuất âm nhạc (JRG Productions) với Jean-Jacques từ giữa những năm 1980. Ông ban đầu vào nghề với tư cách là manager, quản lý các hợp đồng ghi âm và biểu diễn của người anh ruột. Cả hai anh em nhà Goldman đều từng được đào tạo về nhạc cổ điển trong hơn 10 năm, họ ban đầu học đàn piano và violon, trước khi chuyển sang đàn ghi ta khi đến tuổi trưởng thành vì cả hai anh em muốn đeo đuổi nghề sáng tác nhạc pop rock. Ngoài cơ sở âm nhạc vững chắc, Robert còn là một nhà quản lý xuất sắc. Tuy nhiên, sau một thời gian dài hơp tác với anh trai (1981-1995), Robert Goldman vào giữa những năm 1990 tạm ngưng công việc điều hành và tổ chức các đợt biểu diễn trong gần hai năm, hầu dành thêm thời gian cho đam mê sáng tác cá nhân. Vào nghề cầm bút khi đồng sáng tác cho Céline Dion Mọi chuyện bắt đầu từ năm 1995, Robert cùng với Jean-Jacques sáng tác nhạc phẩm "Je sais pas" (phiên bản tiếng Anh là ''I don't know'') cho giọng ca thần tượng người Canada Céline Dion. Nhạc phẩm này chiếm hạng đầu thị trường Pháp và nhiều nước châu Âu trong nhiều tuần lễ liên tục. Còn tập nhạc hợp tác (D'eux) giữa Jean-Jacques Goldman với Céline Dion đánh dấu sự hội tụ giữa hai tài năng lớn, trở thành album ăn khách nhất khối Pháp ngữ từ trước tới nay, với hơn 10 triệu bản được bán trên toàn thế giới. Thành công này khuyến khích Robert Goldman theo đuổi nhiều hơn nữa nghề sáng tác solo, soạn nhạc một mình thay vì làm việc theo nhóm, tránh bị che khuất bởi cái bóng quá lớn của người anh ruột. Robert Goldman lấy nghệ danh là J.Kapler và bắt đầu viết nhạc cho nhiều nghệ sĩ trứ danh trong đó có Florent Pagny (Une place pour moi), Michel Sardou và Chimère Badi (Le chant des hommes) hay là Yannick Noah (Simon Papa Tara, La Voix des Sages .....) Trong số các nhạc phẩm ăn khách nhất của Robert Goldman có giai điệu ''Parle moi'' từng giúp cho Isabelle Boulay sau bang Québec chinh phục thị trường Pháp. Còn nữ ca sĩ người Úc Tina Arena lập kỷ lục số bán với nhạc phẩm "Aller plus haut". Cả hai tài năng này tạo cơ hội cho ngòi bút sáng tác của Robert Goldman vươn lên một tầm cao mới. Nổi tiếng nhờ soạn giai điệu nhưng vẫn giữ kín tên thật Có thể thấy khi chọn bút danh J. Kapler, Robert Goldman đã không muốn đặt mình về phía trước, nhưng dù muốn hay không do làm việc chung với nhau trong một thời gian dài, cho nên phong cách của Robert vẫn ít nhiều thấm nhuần ảnh hưởng của người anh trai, Robert cố gắng tạo cho mình một nét gì đó riêng biệt và đeo đuổi lối sáng tác nhạc pop rock giao hưởng nhằm tạo thêm nét hoành tráng, đôi khi hùng hồn cường điệu, một nét rất hợp với các giọng ca khoẻ khoắn như nam danh ca Michel Sardou hay tiếng hát Natasha Saint Pier nhân cuộc thi hát truyền hình châu Âu Eurovision năm 2001 qua giai điệu ''Je n'ai que mon âme'' (All I have is my soul /Ta chỉ còn có linh hồn). Robert Goldman hiện là một trong những nhà sản xuất của chương trình biểu diễn gây qũy từ thiện của đoàn nghệ sĩ Les Enfoirés. Tuy vậy, ông vẫn rất kín đáo và hầu như không bao giờ xuất hiện trên truyền hình. Điều đó giải thích vì sao mãi đến những năm gần đây công chúng mới phát hiện là trong gia đình Goldman, có đến hai tác giả ăn khách và lúc đầu không ai biết nhạc sĩ nào ẩn mình đằng sau nghệ danh J. Kapler. Chỉ nhân đợt biểu diễn gây qũy giúp đỡ các Quán ăn tình thương (Les Restos du Coeur) thì lúc ấy, danh tính của Robert Goldman mới được tiết lộ. Trong vòng hai thập niên liền, Robert Goldman (J. Kapler) đã sáng tác gần 80 bài hát (tiếng Anh và Pháp) cho 24 ca sĩ kể cả Pháp, Canada, Úc và Thụy Sĩ. Có ít nhất 10 giai điệu trong số những tựa bài hát này đều thành công rực rỡ trên thị trường châu Âu. Tuy là tác giả của nhiều giai điệu ăn khách, nhưng Robert GoGoldman vẫn giữ nguyên lối sống kín đáo khiêm nhường, không thích phô trương. Có lẽ cũng vì ông hầu như không bao giờ xuất hiện trước công chúng, cho nên ít có người nào biết mặt ông, ngoại trừ những ai đã từng làm việc chung. Khi đi dạo ở ngoài phố, Robert Goldman cho biết ông bớt gặp phiền toái do ông không dễ nhận diện như đa số người nổi tiếng.
    20.5.2023
    9:03
  • Cuộc thi Eurovision : nước Pháp đặt kỳ vọng vào giọng ca La Zarra
    Đêm thứ Bảy 13/05/2023, cuộc thi hát truyền hình châu Âu Eurovision diễn ra tại nhà hát Liverpool Arena. Đáng lẽ ra cuộc thi năm nay phải được tổ chức tại Ukraina, nước đoạt giải năm trước. Thế nhưng, do cuộc chiến Ukraina, ban điều hành Eurovision quyết định dời cuộc thi sang Liverpool, Anh quốc. Nghệ sĩ La Zarra đại diện cho nước Pháp, đi tranh giải cùng với các thí sinh từ 26 nước khác. Đằng sau nghệ danh La Zarra là một nghệ sĩ trẻ tuổi người Canada gốc Maroc. Tên thật là Fatima Zahra Hafdi, cô năm nay 26 tuổi, sinh trưởng tại thành phố Montréal, bang Québec. Xuất thân từ một gia đình nhập cư, bố mẹ cô lập nghiệp tại thành phố Longueuil, ở phía tả ngạn sông Saint Laurent. Đam mê âm nhạc đến với La Zarra từ thời thơ ấu. Cô học thuộc lòng các giai điệu của các giọng ca thần tượng : Édith Piaf, Céline Dion hay Dalida ..... La Zarra khởi đầu sự nghiệp sau khi cô gặp nhà sản xuất nhạc hip-hop Benny Adam trong một buổi tiệc. Cô thu hút sự chú ý của giới phê bình vào năm 2016, khi phát hành đĩa đơn đầu tay "Printemps Blanc" (Mùa xuân trắng) với sự hợp tác của rapper người Pháp Niro. Trên đà thành công bước đầu, La Zarra thực hiện nhiều bản ghi âm lại dưới dạng mashup, chủ yếu được phổ biến trên mạng, đáng quan tâm hơn cả là liên khúc ''À l'ammoniaque'' hòa quyện với giai điệu ''Mon Dieu'' của Piaf. Lần thứ nhì, một ca sĩ Canada đại diện cho Pháp Vào năm 2021, tên tuổi của La Zarra vượt ra ngoài khuôn khổ thị trường vùng Québec. Nhạc phẩm "Tu t'en iras" (Rồi anh sẽ ra đi) được Liên đoàn quốc gia ngành xuất bản đĩa hát (SNEP) chứng nhận đạt mức đĩa bạch kim tại Pháp. Trong cùng một năm, La Zarra được đề cử cho Giải thưởng âm nhạc NRJ, ở hạng mục Tài năng đầy triển vọng khối Pháp ngữ, sau khi thành công với album đầu tay mang tựa đề "Traîtrise" (Phản trắc). La Zarra thường được giới phê bình so sánh là sự kết hợp hài hòa giữa hai phong cách Édith Piaf với Lady Gaga. Nhờ vào thành tích này, trung tuần tháng Giêng năm 2023, La Zarra được đài truyền hình France Télévision chọn làm ca sĩ đại diện cho nước Pháp vơi nhạc phẩm ''Évidemment'', nhân Cuộc thi hát truyền hình châu Âu Eurovision lần thứ 67 tại thành phố Liverpool. La Zarra trở thành ca sĩ người Canada thứ nhì đại diện cho nước Pháp sau Natasha St-Pier. Vào năm 2001, Natasha St-Pier đã về hạng tư cuộc thi Eurvision với nhạc phẩm "Je n'ai que mon âme" (Ta chi còn có linh hồn) do nhạc sĩ Robert Goldman, em trai của Jean-Jacques Goldman sáng tác. Lần cuối nước Pháp đoạt giải nhất là vào năm 1977, với giọng ca Marie Myriam trình bày nhạc phẩm ''L'oiseau et l'enfant'', từng được tác giả Lữ Liên đặt lời Việt thành ''Cánh chim và trẻ thơ''. Thụy Điển, Na Uy và Ukraina sáng giá nhất Eurovision 2023 Sự kiện một ca sĩ nước ngoài đại diện cho Pháp để đi tranh giải Eurovision cũng không có gì là mới lạ, miễn là bản nhạc là một sáng tác gốc theo điều lệ cuộc thi. Vào năm 1965, nữ danh ca Pháp France Gall với bản nhạc ''Poupée de cire, poupée de son'' của Serge Gainsbourg đã đem về cho Luxembourg giải nhất cuộc thi Eurovision. Bài này trong tiếng Việt từng được tác giả Vũ Xuân Hùng đặt lời thành ''Búp bê không tình yêu''. Hai thập niên sau đó, thần tượng Canada Céline Dion đoạt giải nhất cuộc thi với nhạc phẩm "Ne partez pas sans moi" (Không ta, đừng đi) và đem giải nhất Eurovision về cho Thụy Sĩ. Bài hát này gần đây cũng đã được ghi âm lại để kỷ niệm 20 năm chương trình truyền hình Star Academy của Pháp. Đang trên đà thành công, quá trình dự thi của La Zarra lại không diễn ra suông sẻ. Hồi trung tuần tháng 4, cô đột ngột hũy bỏ hai buổi biểu diễn tại Hà Lan và Anh quốc với lý do gia đình, trong khi các đợt biểu diễn này là nhằm để quảng bá rộng rãi các bài hát dự thi và đồng thời mỗi nghệ sĩ có thêm cơ hội thuyết phục khán thính giả bỏ phiếu cho họ trong đêm chung kết tối nay. Về điểm này, các buổi biểu diễn của đoàn nghệ sĩ được xem là khá quan trọng, nhất là các buổi ra mắt khán giả "Eurovision in Concert" tại Amsterdam hay "Eurovision Party" tại Luân Đôn. Hy vọng rằng những trục trặc trong thời gian qua sẽ không ảnh hưởng gì nhiều đến màn trình diễn của La Zarra vào đêm chung kết 13/05. Cũng như năm trước, nước Nga không được mời tham gia, bị tẩy chay vì là quốc gia ''tuyên chiến''. Còn theo đánh giá của giới phê bình, các thí sinh sáng giá nhất (và như vậy có nhiều triển vọng đoạt giải năm 2023) vẫn là các nghệ sĩ đại diện cho Thụy Điển, Na Uy hay Ukraina. Hẳn chắc cô ca sĩ người Canada La Zarra sẽ phải cố gắng tỏa sáng hết mình để hy vọng đoạt giải nhất cuộc thi Eurovision, một giải thưởng mà nước Pháp đã mong chờ từ hơn bốn thập niên qua.
    13.5.2023
    9:10
  • Dos Santos và các nhóm nhạc jazz du mục của Pháp
    Tại Pháp, Thomas Dutronc là gương mặt đại diện cho phong trào nhạc jazz du mục. Sự thành công của anh đã mở đường cho khá nhiều nghệ sĩ và ban nhạc khác chinh phục thị trường Pháp, trong số này có các nhóm nhạc trẻ xuất hiện gần đây như Sara French Quintette hay Eva sur Seine. Nhóm Eva sur Seine hình thành từ sự hợp tác giữa ca sĩ nhạc jazz Eva Scholten và bộ ba nhạc sĩ gồm hai tay đàn ghi ta và một tay trống. Ba thành viên của nhóm Thomas Baggerman từ lâu đi tìm một giọng ca trẻ trung tươi tắn, nhưng đồng thời phảng phất những nét qúy phái của những năm 1950. Sự kết hợp giữa giọng hát tinh tế của Eva và nhạc jazz linh hoạt đậm chất gypsy của anh em nhà Baggerman đã tạo ra được nét khác lạ độc đáo. Bản ghi âm của nhóm này "Une belle histoire" (Một câu chuyện dep) từng được tác giả Quang Nhật đặt lời Việt thành nhạc phẩm "Chuyện tình thiết tha". Điêu luyện không kém trong các màn độc tấu ghi ta, có nhóm Sara French Quintette, gồm ca sĩ chính người Ý, tay đàn ghi ta Tây Ban Nha và 3 nghệ sĩ Pháp chuyên chơi nhạc swing. Một lần nữa, các pha biến tấu trong lối đàn ghi ta tùy theo ngẫu hứng, chiếm một phần quan trọng trong các màn biểu diễn của ho. Cả hai nhóm đều cho ra mắt các bản ghi âm đầu tiên của mình. Ngoài Michel Fugain, nhóm Eva sur Seine vinh danh bậc thầy Django Reinhart, người đã khai sinh dòng nhạc jazz manouche thịnh hành trong cộng đồng người du mục. Còn Sara French Quintette thì diễn lại nhạc phẩm "Pequena Flor". Giai điệu kinh diển "Petite Fleur" của Sidney Bechet Giai điệu quen thuộc ''Pequena Flor'' là phiên bản tiếng Tây Ban Nha của nhạc phẩm "Petite Fleur" (Nụ hoa nho nhỏ) do Sidney Bechet sáng tác theo điệu fox trot vào năm 1952. Ban đầu là một bản nhạc không lời, với màn độc tấu kèn saxo hay kèn gỗ clarinette, nhạc cụ sở trường của Sidney Bechet. Mãi đến nhiều năm sau tác giả Fernand Bonifay mới đặt lời tiếng Pháp cho khúc nhạc này. Năm nay, thành phố Toulon kỷ niệm đúng 30 năm ngày giỗ của ông. Với thời gian, bản nhạc này đã trở thành một giai điệu kinh diển của dòng nhạc jazz. Khi được hát trong tiếng Tây Ban Nha "Pequena Flor" thường được phối theo điệu pop La Tinh. Ca sĩ Chayanne người Puerto Rico với hơn 20 album phòng thu và 50 triệu đĩa hát bán chạy trên thế giới, đã thành công trong việc phối lại nhiều bản hoà âm mới cho giai điệu thêm sức sống ngàn đời, cho dù đó là một nụ hoa nho nhỏ (Petite Fleur) ven đường mộng mơ,  hay là bờ biển (La Playa) với phong cảnh hữu tình nên thơ. Trong số những nghệ sĩ từng hát lại những ca khúc La Tinh nhưng lái hẳn về nhạc pop chơi theo phong cách du mục (gypsy), có ca sĩ người Pháp Mickaël dos Santos, từng lọt vào vòng chung kết của chương trình truyền hình tuyển lựa các tài năng mới "France Got Talent" (La France a un incroyable talent) phiên bản tiếng Pháp vào năm 2016. Năm nay 27 tuổi, anh sinh trưởng tại miền Nam nước Pháp, trong một gia đình người Bồ Đào Nha nhập cư. Thời còn nhỏ, anh sống gần gũi với cha mẹ, mê bóng đá và ngôi sao Cristiano Ronaldo nhiều hơn là chơi đàn hay học nhạc. Khi lớn lên, anh chọn nghề thợ nề, làm việc với bố anh trong một công ty xây dựng. Giọng ca ăn khách của dòng nhạc ''gypsy pop"  Năm anh tròn 20 tuổi, mẹ anh đột ngột qua đời vì bạo bệnh. Mickaël buồn bã chán nản trước sự ra đi quá bất ngờ của người mẹ yêu quý. Mặc dù chưa bao giờ học hát hay chơi đàn, nhưng Mickaël lại chọn con đường âm nhạc. Anh mua một cây ghi ta và tự học cách chơi đàn để phần nào khuây khoả, làm vơi đi nỗi buổn, xoa dịu vết thương tâm hồn. Những bản nhạc do anh tải lên mạng internet lại lọt vào tai của các nhà sản xuất chương trình truyền hình. Mickaël Dos Santos quyết định thử vận may của minh khi nhận lời tham gia các buổi casting. Rốt cuộc, anh lọt vào chung kết cuộc thi. Cho dù năm ấy, anh không đoạt được giải nhất, nhưng Mickaël   lại giành lấy một hợp đồng ghi âm với hãng đĩa Sony vào năm 2017, một cơ hội lớn cho một nghệ sĩ nghiệp dư. Từ đó cho đến nay, Mickaël Dos Santos đã phát hành 4 đĩa đơn và cho ra mắt album phòng thu đầu tay để tặng cho mẹ anh. Nhờ hợp đồng ghi âm, anh cũng được mời tham gia vào nhiều dự án âm nhạc tại Pháp, nơi anh sinh trưởng, cũng như tại Bồ Đào Nha, nguyên quán của gia đình anh. Việc ghi âm lại một số giai điệu của nhóm Gipsy Kings hay của Julio Iglesias (thần tượng của bố mẹ anh) là một cách để hồi tưởng những khoảnh khắc hạnh phúc : mẹ anh giờ đây đã khuất, nhưng bao kỷ niệm đẹp vẫn chưa hề đánh mất.
    6.5.2023
    9:05
  • Pháp : Hòa nhạc tưởng niệm 10 năm ngày tác giả Georges Moustaki qua đời
    Tháng 5 năm 2023 đánh dấu đúng 10 năm ngày giỗ của ca sĩ kiêm tác giả Georges Moustaki. Nhân dịp này, một buổi hòa nhạc lớn nhằm tưởng niệm nam danh ca người Pháp được tổ chức tại nhà hát Olympia ở Paris. Theo nguyện vọng từ phía gia đình, buổi trình diễn sẽ diễn ra vào ngày sinh của tác giả (03/05) chứ không phải vào ngày ông mất (23/05). Theo đề xướng của con gái của tác giả là Pia Moustaki, ban nhạc trước đây của ông gồm 7 thành viên, nay tái hợp để trình bày lại các giai điệu nổi tiếng của ông với nhiều nghệ sĩ khách mời. Đa phần các thành viên trong nhóm đều chơi nhạc cụ acoustic gồm piano, ghi ta, sáo, kèn gỗ hay bộ gõ với sự hợp tác của tay đàn phong cầm bậc thầy Richard Galliano. Khoảng 20 nghệ sĩ tên tuổi đều đã nhận lời tham gia chương trình do Pia Moustaki tổ chức để tưởng niệm thân phụ, trong đó có Anne Sila, Enzo Enzo, Élodie Frégé, Kent, Cali, Angélique Kidjo, Celia Reggiani (con gái của nam danh ca Serge Reggiani). Phía gia đình ca sĩ Renaud có Romane Serda và Gauvain Sers, về phíaa các nghệ sĩ đến từ nước ngoài có Maria Teresa Ferreira hay Rosemary Standley. Thành danh nhờ sáng tác bài hát cho Édith Piaf Điểm chung giữ các nghệ sĩ này là họ đã từng hát chung với Georges Moustaki hay từng ghi âm các nhạc phẩm của ông. Trong số các album tưởng niệm được phát hành gần đây có tuyển tập của nam ca sĩ Cyril Mokaiesh (Et pourtant le monde). Giọng ca Anne Sila, người từng đoạt giải nhất cuộc thi The Voice, phiên bản All Stars cũng đã ghi âm lại nhạc phẩm nổi tiếng của ông ''Le temps de vivre'' (Thời gian tận hưởng cuộc sống). Còn nam danh ca Renaud đã chọn nhạc phẩm ''Le Métèque'' (tạm dịch : Lãng tử da màu) làm tựa đề cho album phòng thu thứ 18, phát hành vào mùa xuân năm 2022. Về phần mình, Pia Moustaki, ngoài việc triệu tập giới nghệ sĩ cho buổi biểu diễn 03/05/2023, còn cho tái bản quyển tự truyện ''Fille de Métèque'' được nhà xuất bản Plon phát hành cách đây hai năm. Trong quyển sách này, cô hồi tưởng lại nhiều kỷ niệm với song thân, thời còn nhỏ cô ít được gần gũi với gia đình do học nội trú, nhưng đến khi trưởng thành, Pia thường đi theo thân phụ trong các chuyến lưu diễn và học hỏi được nhiều điều thú vị khi khám phá những nền văn hóa khác nhau. Quyển tự truyện của Pia Moustaki cũng khắc họa tâm hồn nghệ sĩ cũng như tư tưởng phóng khoáng của người cha. Georges Moustaki sinh trưởng tại Alexandria, Ai Cập trong một gia đình người Hy Lạp gốc Do Thái, có lẽ cũng vì thế từ khi còn nhỏ, ông đã thấm nhuần nhiều luồng ảnh hưởng văn hóa khác nhau kể cả Hy Lạp, Ả Rập, Thổ Nhĩ Kỳ, Ý và Pháp. Năm 1951, ông lúc đó mới 17 tuổi, đã đến Paris lập nghiệp. Ban ngày ông đi làm để kiếm sống, ban đêm ông làm thêm trong các quán nhạc, tuy thù lao chẳng có bao nhiêu nhưng nhờ vậy ông có cơ hội trao dồi sáng tác. Trong 10 năm đầu hoạt động trong nghề, ông chủ yếu sáng tác cho nhiều nghệ sĩ khác. Trên album ghi lại giai đoạn 1955-1961, trích từ bộ toàn tập Georges Moustaki, đã có hàng chục nghệ sĩ hát nhạc của ông, kể cả Dalida, Hélène Martin, Hugues Aufray hay Henri Salvador... Mãi đến nhiều năm sau, Georges Moustaki mới được công nhận là một tác giả quan trọng vào năm 1958, khi ông gặp thần tượng Édith Piaf và sáng tác cho bà một trong những nhạc phẩm nổi tiếng là bài ''Milord''. Từ tác giả trở thành ca sĩ ''bất đắc dĩ'' Theo lời kể của cô con gái, ngoài đời, Georges Moustaki còn là bạn thân của Barbara hay Reggiani. Chính cũng vì Serge Reggiani đã từ chối hát bài ''Le Métèque'' (1969) và khuyên ông nên trình bày sáng tác của chính mình, cho nên tác giả này mới bất đắc dĩ trở thành một ca sĩ. Hầu hết các hãng đĩa thời bấy giờ đều đã không chịu ký hợp đồng với Georges Moustaki, bởi vì họ chưa bao giờ nghĩ rằng giọng ca của ông có thể ăn khách. Theo Pia Moustaki, tất cả đều từ chối ngoại trừ công ty Polydor. Câu chuyện sau đó, giới yêu nhạc Pháp đều biết : ''Le Métèque'' (Lãng tử da màu) trở thành bản nhạc ăn khách nhất của Mousstaki. Giai điệu đậm chất dân ca theo truyền thống Hy Lạp (cũng như bản ghi âm trước đó ''Les enfants de Pirée'' Ta pedia tou Pirea) gợi lên hình ảnh của một người nghệ sĩ đa tình mà phong trần, với cuộc sống lang thang, nay đây mai đó, ôm đàn mơ mộng đi tìm chất thơ bình dị, diễn đạt qua lời lẽ chân thành, bằng ca từ mộc mạc những khoảnh khắc thanh thản trầm lắng nhất trong cuộc sống. Giai điệu ''Le Métèque'' là một trong những bài hát ăn khách nhất của Georges Moustaki, để rồi đi vào lòng người mến mộ, trở thành di sản nhạc Pháp từ lúc nào không hay. Sự nghiệp của Georges Moustaki trải dài trên hơn nửa thế kỷ. Sinh thời, ông đã ghi âm trên 20 album, sáng tác hàng trăm ca khúc và đã tặng cho làng nhạc Pháp nhiều bản tình ca tuyệt đẹp, nhiều giai điệu kinh điển như La Dame Brune (Phu nhân dáng huyền), Ma solitude (Nỗi cô đơn bản thân), Ma Liberté (Tự do của tôi)... Trong mắt của Pia Moustaki, bài hát ''Ma Liberté'' (Tự do của tôi) cũng như bài ''Le Temps de vivre'' (hiểu theo nghĩa Tận hưởng cuộc sống) là những giai điệu có ý nghĩa nhất của cha cô. Có lẽ cũng vì các bản nhạc thể hiện một cách gần sát, trung thực nhưng không kém phần hóm hỉnh tư tưởng của Georges Moustaki. Sinh thời tác giả này đã từng nói : Chúng ta có cả cuộc đời để vui chơi và ngàn thu (cái chết) để tha hồ nghỉ ngơi.
    29.4.2023
    9:05

Weitere Musik Podcasts

Über Tạp chí âm nhạc

Góc vườn âm nhạc của RFI

Podcast-Website

Hören Sie Tạp chí âm nhạc, Der Wochenliederpodcast und viele andere Radiosender aus aller Welt mit der radio.at-App

Tạp chí âm nhạc

Tạp chí âm nhạc

Jetzt kostenlos herunterladen und einfach Radio hören.

Google Play StoreApp Store

Tạp chí âm nhạc: Zugehörige Podcasts

Tạp chí âm nhạc: Zugehörige Sender